Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, nhà phân tích địa chiến lược và chuyên gia về các vấn đề quốc tế Imran Khalid, cho rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ đang trải qua giai đoạn biến động sâu sắc nhất kể từ năm 1945.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các đồng minh châu Âu. Tổng thống Trump cho rằng các nước này đang dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ mà không chịu chi trả đầy đủ chi phí. Quan điểm này đã làm lung lay nền tảng của NATO - trụ cột của an ninh phương Tây.
Trong khi đó, châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đưa ra phản ứng thống nhất. Hai cường quốc truyền thống là Pháp và Đức đang phải vật lộn với sự phân mảnh chính trị và căng thẳng kinh tế. Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương vốn được củng cố qua nhiều cuộc xung đột chung - từ Kuwait đến Ukraine - giờ đây trở nên bấp bênh trước thế giới quan "giao dịch" của chính quyền Trump.
Những lo ngại của châu Âu càng trở nên sâu sắc sau cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cùng với việc ông công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Quyết định từ bỏ chiến dịch cô lập Nga của Mỹ đã gây ra sự báo động lớn tại EU. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện mối quan ngại nghiêm trọng và tăng cường thảo luận về việc tăng cường năng lực quốc phòng, giảm phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ.
Cụ thể, EU đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá khoảng 20 tỷ euro (20,9 tỷ USD), nhằm củng cố vị thế của Ukraine trong bối cảnh giới chức Mỹ đang thúc đẩy đàm phán hòa bình với Nga. Gói viện trợ sẽ tập trung vào việc cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không, đạn pháo, tên lửa tầm xa và thiết bị bay không người lái. Nội dung chi tiết của gói viện trợ sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng EU sắp tới.
Bất chấp với những cam kết mới như trên, các quốc gia NATO ở châu Âu đang đối mặt với áp lực phải tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5% GDP - con số được coi là không tưởng trước đây. Ba Lan và Estonia, do lo ngại về cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã chấp nhận hy sinh kinh tế để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, câu hỏi then chốt vẫn là liệu Washington có sát cánh cùng châu Âu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hay không, đặc biệt khi Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể đang bị đặt dấu hỏi.
Trong lĩnh vực kinh tế, chính sách của Tổng thống Trump cũng tạo ra nhiều bất ổn. Việc áp thuế quan lên các đồng minh như Canada và Mexico cho thấy ưu tiên của ông là chính sách kinh tế hơn là ngoại giao. Do đó, EU đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc chấp nhận thuế quan, hoặc leo thang xung đột thương mại không mong muốn với Mỹ.
Về vấn đề Iran, chính quyền Trump tiếp tục thử thách quan hệ Mỹ - châu Âu. Sau khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, có những dấu hiệu về khả năng đối thoại mới với Tehran. EU có thể đóng vai trò trung gian thúc đẩy Washington hướng tới đàm phán, tìm kiếm sự cân bằng giữa việc nới lỏng trừng phạt và giảm căng thẳng khu vực.
Chuyên gia Khalid lưu ý, bài học quan trọng nhất là châu Âu cần đoàn kết hơn bao giờ hết trước chủ nghĩa biệt lập của Tổng thống Trump. Một châu Âu phân mảnh, theo đuổi chính sách ngoại giao manh mún sẽ khó có thể bảo vệ được lợi ích của mình. Chỉ có hành động tập thể, dựa trên sức mạnh kinh tế chung và sự kiên cường trong ngoại giao, mới có thể tạo ra tiếng nói có trọng lượng tại bàn đàm phán trong thời đại mà các liên minh được coi như những giao dịch và quyền lực xuất phát từ sự khó đoán định.