Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte phát biểu trong chuyến thăm thành phố Davao trên đảo Mindanao, miền nam Philippines ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) sẽ sớm ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông trong năm nay, một câu hỏi được đặt ra là Philippines sẽ xử lý vấn đề này như thế nào dưới thời Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30/6 này.
Ngày 21/6, khi ông Duterte có bài phát biểu đầu tiên sau nhiều tuần kể từ khi ông tuyên bố sẽ tẩy chay giới truyền thông cho đến hết nhiệm kỳ của mình, vị tổng thống mới đắc cử đã nhắc lại rằng ông sẽ không đi đến chiến tranh với Trung Quốc chỉ vì những tranh cãi giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh bãi cạn Scarborough hay còn được người dân địa phương ở tỉnh Zambales gọi là Bajo de Masinloc. Ông nói: “Người Mỹ đã kêu gọi hãy tham gia cuộc viễn chinh với họ, nhưng xin lỗi, tôi sẽ không đi đến chiến tranh chỉ vì bãi cạn Scarborough”. Ngay cả trước giai đoạn tranh cử tổng thống, ông Duterte vẫn nói rằng Philippines không có đủ khả năng để tiến hành chiến tranh ở Biển Đông, đồng thời chỉ ra rằng chiến trường này có khả năng sẽ giống như ở Palawan.
Những căng thẳng tại Biển Đông được nhen nhóm kể từ khi Chính phủ Philippines hồi tháng 1/2014 đã đệ trình một đơn kiện nhằm đặt vấn đề về tính pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) trải dài 200 km của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc đã không công nhận tính pháp lý của vụ kiện này và hối thúc Philippines trở lại bàn đàm phán song phương.
Mặc dù trong nhiều bài phát biểu của mình, ông Duterte luôn thể hiện sự nhiệt tình khi đề cập đến việc Philippines liên minh với phương Tây, song ông cũng để ngỏ phương án cuối cùng, đó là trở lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, và ông cũng đã nói điều này với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trả lời phỏng vấn các phóng viên của hãng tin GMA, ông nhắc lại cuộc điện đàm của mình với ông Obama: “Tôi đã đảm bảo với ông Obama rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác vì các lợi ích chung của hai bên và sẽ cùng liên kết với phương Tây trong vấn đề Biển Đông. Nhưng tôi cũng đưa ra một ngụ ý rằng tôi sẽ vẫn chấp nhận đi cùng với ông ấy, nhưng nếu sóng yên biển lặng thì tôi sẽ lựa chọn giải quyết vấn đề một cách song phương”. Tổng thống đắc cử Duterte cũng dẫn lại lời hối thúc của ông Obama rằng nên chờ đợi kết quả phán quyết của PCA. Ngoài ra, ông Duterte còn cho biết sẵn sàng tham gia một cuộc thám hiểm chung ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông) với Trung Quốc.
Về phần mình, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, Trung Quốc cũng “chìa cành ô liu” về phía Philippines khi nói với ông Duterte rằng họ sẽ hỗ trợ các dự án đường sắt của quốc gia Đông Nam Á này ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Trong một cuộc tranh luận trước thềm bầu cử, ông Duterte đã bày tỏ rằng ông sẽ không dễ dàng từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của đất nước ở Biển Đông. Ông cho biết nếu phán quyết của PCA có lợi cho Philippines và Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này, ông sẽ tự đi tàu cao tốc ra vùng biển tranh chấp và cắm cờ Philippines ở đó. “Tôi sẽ không đi đến chiến tranh. Đây là lãnh thổ của chúng ta và hãy cùng tôi làm những điều mà các bạn muốn”, ông nói thêm.
Ernie Abella, người sắp trở thành phát ngôn viên tổng thống mới đây đã nói rằng nếu phán quyết của tòa án quốc tế có lợi cho Trung Quốc, chính quyền của ông Duterte sẽ đàm phán và tìm cách đảo ngược phán quyết này. Ông này nói: “Tôi cho rằng đây sẽ là một phiên tòa đặc biệt, song tôi chắc chắn là vẫn có không gian dành cho thương lượng”.