Phe Dân chủ tìm biện pháp trừng phạt khác đề phòng ông Trump trắng án

Trước viễn cảnh cựu Tổng thống Trump có thể được tuyên trắng án tại phiên tòa luận tội của Thượng viện, đảng Dân chủ đang dự tính các lựa chọn trừng phạt khác như một nghị quyết khiển trách, vốn có thể được nhiều sự ủng hộ hơn từ đảng Cộng hòa.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump giơ tờ báo chạy dòng tít "Trump trắng án" tại Nhà Trắng ngày 6/2/2020, sau phiên tòa luận tội lần thứ nhất. Ảnh: CNBC

Để chuẩn bị cho khả năng đang ngày một rõ ràng là cựu Tổng thống Trump sẽ vượt qua phiên tòa luận tội sắp tới tại Thượng viện, các thượng nghị sĩ đang chuẩn bị đệ trình một dự thảo nghị quyết lần thứ hai trong lịch sử khiển trách một tổng thống Mỹ - và lần này là nhằm ngăn cản ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Theo ABC News, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collin đang soạn thảo một nghị quyết khiển trách cựu Tổng thống Trump vì đã kích động cuộc bạo loạn ngày 6/1, khiến 5 người tử vong. Nhưng đây sẽ không chỉ là một nghị quyết khiển trách. Thượng nghị sĩ Chris Coons của đảng Dân chủ, hôm 26/1 cho biết những gì ông Kaine và bà Collin đang tìm kiếm là sử dụng “các quy định của Tu chính án thứ 14 nhằm loại bỏ tư cách trở thành tổng thống trong tương lai”.

“Điều đó hấp dẫn tôi và là điều mà tôi sẵn sàng xem xét. Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải yêu cầu trách nhiệm giải trình cho loạt sự kiện ngày 6/1”, ông Coons nói với các phóng viên.

Trách nhiệm giải trình đó – thông qua một phiên tòa luận tội và một cuộc bỏ phiếu sau đó nhằm loại bỏ ông Trump khỏi chức vụ tổng thống trong tương lai – lúc này có vẻ khả năng hơn, sau khi 45 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu kiến nghị hủy bỏ phiên tòa luận tội vì một thủ tục như vậy chống lại cựu tổng thống là vi hiến. Chỉ có 5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ tiến hành luận tội ông Trump, trong khi số thành viên Cộng hòa tối thiểu mà đảng Dân chủ cần sự ủng hộ là 17 người, cộng với toàn bộ 50 Thượng nghị sĩ Dân chủ, để có thể ra phán quyết kết tội cựu Tổng thống Trump.

Các nghị quyết khiển trách chống lại các tổng thống sẽ không có hiệu lực pháp luật, nhưng là sự chỉ trích mạnh mẽ từ một hoặc cả hai viện Quốc hội. Tuy vậy, hiện chưa rõ việc dự thảo nghị quyết viện dẫn Mục 3 của Tu chính án thứ 14 có thể có ý nghĩa gì.

Phần này có nội dung: “Không một ai sẽ là Thượng nghị sĩ hoặc đại biểu Quốc hội, hoặc ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống, hoặc nắm giữ bất cứ chức vụ nào, quân sự hay dân sự, trong chính quyền Mỹ hoặc bất cứ tiểu bang nào, là người trước đây đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Hợp chúng quốc Mỹ với tư cách thành viên Quốc hội, quan chức chính quyền Mỹ, hoặc thành viên của bất kỳ cơ quan lập pháp ban nào, hoặc với tư cách quan chức hành pháp hoặc tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào, lại tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn chống lại các cơ quan đó, hoặc hỗ trợ hay an ủi cho kẻ thù".

Chú thích ảnh
Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Thượng nghị sĩ Susan Collins đang tìm kiếm sự ủng hộ cho dự thảo nghị quyết khiển trách cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images 

“Nghị quyết vẫn đang trong quá trình xử lý”, Thượng nghị sĩ Collins nói và cho biết thêm: “Nhưng tôi nghĩ cuộc bỏ phiếu hôm 26/1 tại Thượng viện cho thấy cực kỳ ít khả năng Tổng thống Trump sẽ bị kết tội, và 5 lá phiếu có lẽ là một con số cao về sự ủng hộ của phe Cộng hòa… Dường như sẽ có lợi hơn khi xem xét một giải pháp thay thế có thể thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng”.

Theo ông Collins, nghị quyết khiển trách cựu Tổng thống Trump vẫn đang được điều chỉnh và chưa có ngày công bố cụ thể. Có một điều chắc chắn là nó sẽ buộc đảng Cộng hòa phải có một lập trường rõ ràng về những hành động của ông Trump thay vì tập trung vào các tranh cãi thủ tục.

“Dự thảo tuyên bố rằng cuộc tấn công vào Điện Capitol là một cuộc nổi dậy chống lại hiến pháp Hoa Kỳ. Đó là một nỗ lực ngăn Quốc hội thực hiện nhiệm vụ hiến định của mình là kiểm phiếu đại cử tri”, Thượng nghị sĩ Kaine mô tả về bản dự thảo nghị quyết trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN.

“Nó cũng cho rằng Tổng thống Trump đã ủng hộ và an ủi những kẻ đã tiến hành cuộc nổi loạn bằng cách liên tục nói dối về cuộc bầu cử, vu khống các quan chức bầu cử, gây áp lực buộc những người khác tới Washington vì một sự kiện hoang dại và cổ vũ họ đổ tới Quốc hội”.

Chú thích ảnh
Tổng thống thứ 7 của Mỹ Andrew Jackson (trái) cũng từng bị Quốc hội khiển trách, nhưng nghị quyết này sau đó bị xóa bỏ.

Thượng nghị sĩ Kaine lập luận: “Tu chính án thứ 14 nói rằng bất kỳ ai đã tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp tham gia vào một cuộc nổi dậy chống lại Hiến pháp hoặc hỗ trợ và an ủi cho những người làm vậy sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ một lần nữa".

Ông Kaine cũng cho rằng, việc khiển trách cựu Tổng thống Trump sẽ nhanh chóng làm rõ vấn đề để các thượng nghị sĩ có thể tập trung vào ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden và nhiều nhà lập pháp – đó là huy động hàng ngàn tỷ USD cho gói cứu trợ COVID-19 bổ sung dành cho những người Mỹ đang bị tổn hại bởi đại dịch.

Hiện chưa rõ, nỗ lực đưa ra nghị quyết khiển trách sẽ đi đến đâu khi phiên tòa luận tội ông Trump sẽ bắt đầu vào ngày 9/2. Những người ủng đang lo ngại, bất cứ nỗ lực nào khiển trách ông Trump sau phiên tòa luận tội có thể sẽ thất bại.

Quốc hội Mỹ đã từng thông qua nghị quyết khiển trách Tổng thống thứ 7 của Mỹ Andrew Jackson, trong một cuộc tranh cãi nảy lửa việc ông Jackson đã đơn phương giải tán Ngân hàng thứ hai của Mỹ và sa thải bộ trưởng nội các phụ trách thành lập ngân hàng.

Tuy nhiên, nghị quyết khiển trách này đã bị xóa bỏ bởi Thượng viện khóa tiếp theo. Vì thế, một số người coi nỗ lực khiển trách ông Trump lần này nếu thành công, sẽ là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ khiển trách một tổng thống.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cựu Tổng thống Trump dự định không dự phiên tòa luận tội, gửi văn bản bào chữa
Cựu Tổng thống Trump dự định không dự phiên tòa luận tội, gửi văn bản bào chữa

Cựu Tổng thống Trump đang tăng cường nhóm pháp lý của mình trước phiên tòa luận tội tại Thượng viện, trong khi bản thân ông không có kế hoạch trực tiếp tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN