Tuy nhiên, khi phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump chính thức được lên lịch, nó đã làm sứ mệnh đoàn kết của tân Tổng thống Biden phức tạp hơn rất nhiều.
Theo kênh CNN, bốn năm qua, nước Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc và nền dân chủ lâm nguy. Dù đã rời Nhà Trắng, lui về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago từ ngày 20/1, nhưng vụ luận tội vào tháng 2 tới sẽ khiến ông Trump trở thành tâm điểm. Trong dịp này, ông Trump có thể sẽ tiếp tục coi bản thân là nạn nhân của cuộc “săn phù thủy” và tập hợp người ủng hộ.
Khi đó, ông Biden rơi vào tình thế gần như không thể tránh khỏi là vấn đề phân cực đang tồn tại lại có dịp nổi lên mạnh. Ông Biden cho rằng cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1, nhưng ông không thể hiện mong muốn gì rõ rệt về kết quả luận tội sắp tới.
Ông dành sự quan tâm trong ba ngày đầu ở Nhà Trắng để ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp để lật ngược di sản của ông Trump, đồng thời tích cực điện đàm để đạt được đồng thuận về lập pháp.
Theo CNN, phiên tòa luận tội sắp tới có thể thổi bùng ngọn lửa chia rẽ đảng phái ngay khi ông Biden đang cố sức dập tắt. Ông Biden có thể không có giải pháp rõ ràng để thực hiện cam kết tranh cử là đoàn kết đảng phái và khiến Quốc hội đang chia rẽ phải đạt thỏa thuận với nhau.
Niềm hy vọng rằng ông Biden có thể mang tới tinh thần khác biệt cho Washington đã phần nào giảm bớt khi lãnh đạo phe Dân chủ đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo rằng Hạ viện chuyển điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện vào tối 25/1. Quá trình tranh tụng sẽ bắt đầu vào ngày 9/2.
Phiên luận tội bị trì hoãn sẽ giúp ích cho ông Biden vì tới nay mới có vài đề cử nội các được Thượng viện thông qua. Đây là tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các chính quyền trước. Ông Biden đã nhấn mạnh điều này khi được hỏi về việc có hài lòng với khung thời gian luận tội vào giữa tháng 2 hay không.
Tổng thống Biden thận trọng khi nói về việc tổ chức phiên luận tội ông Trump ở Thượng viện khi ông Trump đã rời Nhà Trắng. Ông Biden chỉ nói để cho các lãnh đạo Thượng viện quyết định thời gian và cơ chế luận tội. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã không trả lời câu hỏi vào về quan điểm của ông Biden với phiên luận tội.
Tại thời điểm này, dư luận đặt ra câu hỏi về tính cần thiết của phiên luận tội, nhất là khi Thượng viện ngày càng cho thấy sẽ không kết tội ông Trump. Kết tội ông Trump sẽ cần 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu, cộng thêm 50 thượng nghị sĩ Dân chủ. Đây sẽ là số phiếu bầu cao, khó đạt với bất kỳ một vấn đề lập pháp nào, chứ chưa nói tới vấn đề luận tội gây tranh cãi.
Mặc dù các nghị sĩ Cộng hòa cấp cao bất đồng về cách thức trừng phạt ông Trump vì vai trò trong vụ bạo loạn ngày 6/1, nhưng nhiều người cũng đặt ra vấn đề rằng luận tội tổng thống đã hết nhiệm kỳ có hợp hiến hay không.
Tranh cãi về tính hợp hiến của phiên luận tội đang là vũ khí hữu ích của các thượng nghị sĩ Cộng hòa. Khi đặt ra vấn đề hợp hiến, họ sẽ tránh làm mất lòng cử tri ủng hộ ông Trump và cũng không rơi vào tình huống phải chống lại ông Trump để làm vừa lòng các cử tri phản đối vai trò của ông Trump trong cuộc bạo loạn.
Trong suốt tuần đầu tiên làm việc, ông Biden đã cho thấy ông đang tìm cách đưa người Mỹ vượt qua thời kỳ ông Trump làm tổng thống, không chỉ về chính sách mà còn về tinh thần. Ông tuyên bố với nhân viên mới rằng nếu ông nghe thấy họ nói xấu hoặc không tôn trọng đồng nghiệp, ông sẽ sa thải họ ngay tại chỗ. Ông nhấn mạnh rằng ông tin mọi người đều được xứng đáng nhận sự đối xử tử tế và có phẩm giá – điều mà ông cho là đã không tồn tại trong 4 năm qua.
Bất chấp sự phản đối của một số nghị sĩ Cộng hòa, ông Biden đã đảo ngược các chính sách gây tranh cãi nhất của ông Trump thông qua sắc lệnh hành pháp: ngừng xây dựng tường ở biên giới Mỹ-Mexico, hủy dự án đường ống Keystone XL, tham gia lại hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, hủy lệnh cấm nhập cảnh với một số quốc gia Hồi giáo.
Tuy nhiên, ông Biden cũng tập trung vào các hành động có thể giành sự ủng hộ của cả hai đảng: các biện pháp tăng tốc phân phối vaccine như kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để sản xuất thêm thiết bị y tế như kim tiêm, xy lanh đặc biệt dùng cho tiêm vaccine COVID-19; kế hoạch tăng tốc mở cửa lại trường học; gia hạn thời gian cấm trục xuất người thuê nhà; chính sách nhằm tăng cường an ninh lương thực giữa đại dịch. Đây đều là các vấn đề được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa quan tâm.
Khi vạch ra con đường phía trước cho nước Mỹ, ông Biden nhấn mạnh rằng ông không thể làm tất cả chỉ bằng ký sắc lệnh hành pháp và kêu gọi các thành viên Quốc hội thương lượng về gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ mà ông đề xuất.
Khi Thượng viện Mỹ đang ở thế gần cân bằng 50-50 (nếu không tính ghế của Chủ tịch Thượng viện), hai lãnh đạo Chuck Schumer (Dân chủ) và Mitch McConnell (Cộng hòa) vẫn đang tranh cãi về thống nhất chia sẻ quyền lực ở Thượng viện, về số ghế mà mỗi đảng kiểm soát trong các ủy ban của Thượng viện.
Mặc dù ông Biden đã vấp phải sự phản đối mạnh của phe Cộng hòa về chi phí gói cứu trợ nói trên, nhưng Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese đã cảnh báo rằng người Mỹ có thể rơi vào khủng hoảng y tế trầm trọng hơn và “hố sâu kinh tế” nếu không có gói cứu trợ đó.
Ông Biden từng lưu ý rằng có thêm 900.000 người Mỹ đã thất nghiệp, nhiều gia đình buộc phải sống nhờ ngân hàng thực phẩm. Khi bảo vệ gói kích thích trên, ông Biden cho biết cần phải có sự đồng thuận về vấn đề kinh tế và phải hành động quyết liệt, táo bạo để kinh tế tăng trưởng. Ông khẳng định gói kích thích là khoản đầu tư thông minh, sẽ giúp Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh khắp thế giới. Ông nói: “Vấn đề này gần như không có ý nghĩa đảng phái gì. Tôi cho rằng người dân nước này không muốn đứng ngoài và nhìn bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, người Mỹ đói nghèo, mất nhà cửa, mất phẩm giá, hy vọng và sự tôn trọng. Tôi không nói người Dân chủ và Cộng hòa sẽ đói nghèo và mất việc mà tôi sẽ nói rằng người Mỹ sẽ đói nghèo và mất việc”.
Tuy nhiên, điều mà ông Biden sẽ phải nỗ lực rất nhiều là phải thuyết thục hai đảng khi ông đang huy động ý chí chính trị để có thể thông qua gói kích thích. Trong lúc ông tìm kiếm sự đồng thuận hai đảng thì có dấu hiệu cho thấy hai đảng đang rút lui về góc quen thuộc khi mà phiên luận tội là cản trở lớn nhất trên con đường của tân Tổng thống Biden.