Theo tờ Financial Times, khi ông Biden làm phó tổng thống cách đây 12 năm, ông đã phải cùng chính quyền Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng tài chính. Thách thức lớn năm 2009 là ổn định thị trường tài chính đang gặp vấn đề, đe dọa đẩy thế giới vào suy thoái.
Khi đó, Mỹ đã phải kết hợp các biện pháp tiền tệ bất thường và chính quyền của ông Barack Obama đã tránh được thảm họa kinh tế. Tuy nhiên, sau khi thất bại trong bầu cử giữa kỳ năm 2010, phe Dân chủ không còn ảnh hưởng chính trị để thông qua các đạo luật quan trọng và chính quyền khi đó đã không thể tạo dựng con đường vững chắc cho tăng trưởng cao.
Hiện nay, các thị trường tài chính đang hoạt động tốt. Điều kiện cực kỳ thuận lợi: lãi suất ở mức siêu thấp, giá tài sản đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục và các công ty có nhiều cơ hội nếu muốn tiếp cận thị trường vốn. Với ông Biden, thách thức liên quan hệ thống tài chính không chỉ là nhu cầu giải quyết trong ngắn hạn hỗn độn hiện nay mà còn là vấn đề dài hạn trong việc đưa thị trường bong bóng trở về với hiện thực kinh tế.
Số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc, bị tác động bởi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 cao. Bất bình đẳng về thu nhập, tài sản và cơ hội, vốn đã trầm trọng ở Mỹ, nay lại càng tồi tệ hơn. Niềm tin và các thể chế đã giảm sút. Hơn thế nữa, Mỹ cũng như thế giới đang đối mặt với vấn đề virus biến đổi liên tục trong khi chưa thể nỗ lực thực hiện chính sách mang tính quốc tế trong đối phó dịch bệnh.
Các cuộc khủng hoảng này tác động qua lại lẫn nhau, đe dọa gây ra các vòng xoáy luẩn quẩn. Mỹ có thể gặp rủi ro khi các vấn đề kinh tế ngắn hạn trở thành vấn đề dài hạn khó giải quyết, từ đó tác động tới an sinh xã hội.
Theo tờ ông Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queen’s College (Đại học Cambridge), cần có cách tiếp cận bốn nhánh: hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho những nhóm người dễ bị tổn thương, nâng cao cuộc chiến chống COVID-19, giải quyết vấn đề bấp bênh tài chính của hộ gia đình, thúc đẩy năng suất và tiềm năng tăng trưởng.
Gói tài chính 1.900 tỷ USD mà ông Biden mới thông báo gần đây được thiết kế để giải quyết ba vấn đề đầu tiên. Kế hoạch kích thích tài chính bổ sung, dự kiến được đưa ra vào tháng 2, sẽ nhằm giải quyết vấn đề thứ tư.
Một số người có thể sẽ lo lắng về hiệu quả các biện pháp này cũng như tác động lâu dài với thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, các vấn đề cấp bách nhất lại ở chỗ khác. Liệu thế đa số mong manh ở quốc hội của phe Dân chủ có đảm bảo gói kích thích được thông qua kịp thời? Liệu nước Mỹ có đủ đoàn kết cần thiết để vượt qua khủng hoảng y tế? Và liệu các thị trường sẽ phản ứng thế nào?
Chia kế hoạch kích thích tài chính thành 2 phần là nỗ lực để giảm sự phản đối từ quốc hội, nhưng tìm cách để xây dựng và huy động tinh thần đoàn kết quốc gia có thể khó khăn. Phần lớn người dân Mỹ vẫn cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung trong đối phó với thách thức chung.
Câu hỏi liên quan tới thị trường có lẽ là khó trả lời nhất. Khi lãi suất nợ trái phiếu chính phủ dài hạn tăng 20 điểm cơ bản trong một tuần, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng cần phải thể hiện tinh thần dung hòa của FED. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, chi phí đi vay sẽ tăng và có nguy cơ ảnh hưởng tới các yếu tố chủ yếu đang củng cố thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc FED liên tục trấn an sẽ chỉ khiến các nhà đầu tư cho rằng tiền đầu tư và các thị trường sẽ chỉ tăng và ngày càng mất liên kết với hiện thực kinh tế.
Dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Biden nếu chỉ có chính sách kinh tế thông minh thì chưa đủ, mà còn cần cả nhanh nhạy chính trị ở mức độ cao và huy động được trách nhiệm tập thể quốc gia thì mới có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng hiện nay.