Điện đàm-công cụ ngoại giao ưu việt của Tổng thống Biden ở thời điểm hiện tại

Trong những ngày đầu tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Joe Biden đã phát huy triệt để công cụ ngoại giao điện đàm.

Chú thích ảnh
Trong ảnh từ trái qua là Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador. Ảnh: AP

Chiều 22/1, tân Tổng thống Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Cuộc điện đàm được thực hiện sau căng thẳng mới khi ông Biden hủy bỏ việc cấp phép đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 9 tỷ USD với mục đích bơm dầu từ Alberta qua biên giới đến Mỹ. Thủ tướng Trudeau cho biết ông “thất vọng” về quyết định này.

Tuy nhiên, kênh CNN (Mỹ) cho biết nhiều khả năng Thủ tướng Trudeau sẽ không để Keystone XL ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của ông và tân Tổng thống Mỹ Biden. Thủ tướng Canada vốn có quan điểm tương tự ông Biden trong nhiều vấn đề, đơn cử như môi trường.

Thủ tướng Trudeau trước thềm cuộc điện đàm chiều 22/1 cũng chia sẻ với phóng viên rằng ông sẽ không để khác biệt giữa bản thân và Tổng thống Biden về dự án Keystone XL gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Canada.

Cùng ngày 22/1, tân Tổng thống Mỹ cũng điện đàm với người đồng cấp Mexico Andrés Manuel López Obrador. Tổng thống Mexico sau đó cho biết ông đã có cuộc đối thoại “thân thiện và tôn trọng” với người đồng cấp Mỹ Biden. Theo đó, hai nhà lãnh đạo này đã bàn luận về tình trạng nhập cư và dịch COVID-19 cùng nhiều vấn đề khác.

Trên thực tế, các thành viên chính quyền Tổng thống Biden không kỳ vọng ông công du nước ngoài trong thời gian tới bởi dịch COVID-19. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 22/1 đã nói Tổng thống Biden mong muốn công du nước ngoài nhưng theo bà sẽ cần thêm thời gian. Bà Jen Psaki nói: “Ở thời điểm này tôi chưa thể cập nhật được chuyến công du sẽ diễn ra vào lúc nào”.

Như vậy, ở giai đoạn này, các cuộc điện đàm vẫn là công cụ ngoại giao mà Tổng thống Biden ưu tiên. Bà Psaki cho biết ông Biden sẽ điện đàm với các lãnh đạo châu Âu từ tuần tới.

Trong năm 2021 này, Tổng thống Biden có thể dự nhiều hội nghị thượng đỉnh ở nước ngoài. Vào tháng 7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Cornwall vào tháng 6. Đến mùa Thu, hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) dự kiến được tổ chức tại Rome (Italy).

Chú thích ảnh
Tổng thống Biden đã lựa chọn lãnh đạo hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico cho những cuộc điện đàm đầu tiên. Ảnh: Reuters

Bước vào Nhà Trắng, với thâm niên trong chính trường, ông Biden hiểu rõ cần phải hành xử như thế nào trong các hội thảo quốc tế, họp song phương và điện đàm. Ông Biden hướng tới mục tiêu đưa Mỹ đóng vai trọng tài trật tự quốc tế và trong phát biểu tại lễ tuyên thệ 20/1, nhà lãnh đạo này đề cập đến “một lần nữa cam kết với thế giới”.

Tân Tổng thống Biden dường như đề cao mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo nước ngoài hơn là việc hiểu về họ qua ghi chép, đánh giá.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2020, ông Biden từng chia sẻ: “Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo cấp cao trong 35 năm qua bởi đó là bản chất công việc của tôi”. “Bạn nên hiểu tâm hồn của nữ hoặc nam chính khách đó, hiểu họ là ai và đảm bảo rằng họ biết về bạn”, ông Biden bổ sung.

Bản thân ông Biden từng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần. Ông cũng từng đồng hành cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong quãng đường hơn 16.000 km, cùng dùng bữa tại Trung Quốc và cả Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Nước Mỹ bước sang trang; Biến thể virus SARS-CoV-2 gây hoang mang
Thế giới tuần qua: Nước Mỹ bước sang trang; Biến thể virus SARS-CoV-2 gây hoang mang

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu là hai trong số những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN