Nỗi sợ không căn cứ của người Séc đối với đồng euro

Trong các bài phân tích đăng trên tờ “Hospodarske noviny” (báo Kinh tế, CH Séc), nhiều chuyên gia kinh tế Séc nhận định, việc tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là lợi ích kinh tế cốt lõi của nước này, đồng thời điều đó cũng giúp Séc tăng cường ảnh hưởng trong EU. Tuy vậy, hiện chỉ có chưa đầy 1/5 người Séc ủng hộ Eurozone.

Tuyệt đại đa số người Séc e ngại sử dụng đồng euro. Ảnh: parlamentnilisty.cz

Cố vấn Kinh tế của Thủ tướng Sobotka, ông Vladimir Spidla, nêu rõ: Séc sẽ gia tăng ảnh hưởng trong EU nếu tham gia Eurozone. Việc Anh rời khỏi EU sẽ giúp tăng cường tiếng nói của các nước sử dụng đồng euro trong thời gian tới. Nếu chấp nhận đồng euro, Séc không chỉ tận dụng được cơ hội của biến động này mà còn đem lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế trong nước. Slovakia, quốc gia láng giềng đã gia nhập Eurozone từ năm 2009, đang ngày càng thu hẹp khoảng cách phát triển so với Séc.

Theo chuyên gia David Klimes, việc gia nhập Eurozone là một trong những lợi ích cốt lõi của Séc, nhất là trong bối cảnh quan hệ thương mại với Đức đóng vai trò rất quan trọng đối với nước này. Các quốc gia ở Trung và Đông Âu, trong đó có Séc, không nên cân nhắc về việc có nên gia nhập Eurozone hay không. Hơn nữa, đồng euro có thể được coi là một trong những nhân tố đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga đối với châu Âu ngày càng gia tăng.

Ông Klimes nhấn mạnh: Quan điểm của Séc đối với việc gia nhập Eurozone cần thực tế hơn. Cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hiện nay chưa đến 1/5 số người dân Séc ủng hộ đồng euro. Vì vậy, các chính trị gia cần tìm cách xóa bỏ sự hoài nghi, thuyết phục người dân về lợi ích kinh tế của việc chấp nhận đồng euro. Đồng euro đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường hội nhập nội khối, giúp Séc gia tăng ảnh hưởng trong EU. Tuy nhiên, rất khó để người Séc nhận ra điều này. Luận điểm dễ thuyết phục người dân Séc ủng hộ đồng euro chính là lợi ích trong việc củng cố quan hệ với Đức. Quan hệ kinh tế-chính trị giữa Séc và Đức đã và đang phát triển mạnh, dựa trên Hiệp định Hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện ký năm 1992.

Một số chuyên gia Séc cho rằng quan hệ kinh tế Séc-Đức đang phát triển ở mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Séc với sự trao đổi hàng hóa chiếm tới gần 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Séc. Năm 2015 Séc nhập khẩu hàng hóa từ Đức trị giá hơn 33 tỉ euro, trong khi xuất sang nước này 46 tỉ euro. Lợi ích từ việc tăng cường quan hệ với Đức sẽ giúp gia tăng tỉ lệ người ủng hộ đồng euro tại Séc.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Séc đến Bratislava với sáng kiến củng cố an ninh và hợp tác kinh tế
Séc đến Bratislava với sáng kiến củng cố an ninh và hợp tác kinh tế

Ngày 16/9 tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) không chính thức ở Bratislava (Slovakia) phía CH Séc sẽ đề xuất hai vấn đề - củng cố an ninh và tăng cường hợp tác kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN