Bộ trưởng Giáo dục Séc Katerina Valachova trong một lớp mẫu giáo. Ảnh: CTK |
Ngày 1/9, hàng triệu giáo viên và học sinh trên toàn CH Séc đã bước vào năm học mới, trong đó bên cạnh sự cần thiết phải giải quyết những vấn đề liên quan đến quá trình học tập, cuộc tranh luận về điều kiện lao động xứng đáng và tiền lương của giáo viên lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận.
Đài phát thanh Praha dẫn một báo cáo phân tích năm 2015 do viện nghiên cứu Cerge-EI tiến hành, cho hay đa số giáo viên tiểu học và trung học phổ thông tại Séc kiếm được ít tiền hơn giảng viên đại học. Mặc dù lương giáo viên được tăng 8% trong năm nay, điều kiện kinh tế hiện nay của các nhà sư phạm sẽ vẫn không có chuyển biến đáng kể trong những tháng tới. Vì vậy Bộ Giáo dục Séc đề nghị hàng năm tăng thêm cho ngân sách của bộ này 15 tỷ koruna (555 triệu euro) và tăng lương cho giáo viên, công nhân viên nhà trường trong những năm tới. Trong khi đó, Bộ Tài chính tuyên bố rằng những yêu cầu của Bộ Giáo dục là quá cao.
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển châu Âu (OECD), tiền lương của giáo viên Séc trong khuôn khổ các nước phát triển nhất thế giới từ lâu nay vẫn thuộc hàng thấp nhất. Trong khi đó, lao động của các nhà sư phạm được đánh giá cao hơn tại Slovakia, Ba Lan hay Chile. Năm 2015 lương giáo viên ở Séc tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 4% trong các lĩnh vực khác, chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế Séc trong năm ngoái ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Ông German Kempfler, giáo viên một trường phổ thông ở Praha, cho biết sau khi tăng lương, ông được nhận tổng cộng khoảng 25.000 koruna (926 euro). Tuy nhiên, số tiền vài trăm koruna thêm vào chẳng làm thay đổi tình hình thực tại. Ngoài công việc ở trường với mức lương hạn hẹp, ông Kempfler phải làm thêm việc khác ở ngoài để bù đắp chi phí cho gia đình với ba đứa con. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại đến một lúc nào đó sẽ không đủ sức để kham nổi việc “chân trong, chân ngoài” như vậy nữa.
Theo khảo sát của Cerge-EI, lương của 80% giáo viên tiểu học và trung học ở Séc thấp hơn lương của giảng viên đại học. Tình hình này không hề được cải thiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Bộ trưởng Giáo dục Séc Katerina Valachova mong muốn rằng trong ba năm tới đây bộ này sẽ được nhận thêm 45 tỷ koruna (hơn 1,6 tỷ euro). Như vậy lương giáo viên sẽ được tăng dần lên đến mức có tác dụng khuyến khích các nhà sư phạm làm việc theo nghề nghiệp đã lựa chọn. Bà Valachova cho biết việc có thêm 15 tỷ koruna một năm ngoài ngân sách được phân bổ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng 15% lương trong ba năm liên tục.
Chủ tịch Công đoàn trường học Fratisek Dobsik cho biết kịch bản do Bộ trưởng Giáo dục đề xuất đáp ứng những yêu cầu của các tổ chức công đoàn. Theo ông Dobsik, nếu hàng năm lương giáo viên tăng 15%, thì sau ba năm tiền lương giáo viên sẽ đạt 130% mức lương trung bình trong khu vực. Nếu lương không tăng, công đoàn cũng khó lòng hỗ trợ cũng như động viên giới trẻ chọn học nghề giáo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis tuyên bố ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, tuy nhiên, theo ông, mức tăng mà Bộ trưởng Giáo dục đưa ra là “phi thực tế”.