Giới phân tích hoài nghi về khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim. Ảnh: SCMP
|
Theo bài viên trên trang Policyforum.net, giới phân tích cho rằng nếu ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau thì sẽ có nhiều rào cản và chướng ngại vật hơn nữa đối với tình hình căng thẳng tại khu vực bán đảo Triều Tiên.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên lên tiếng muốn làm trung gian cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, với mong muốn đưa Stockholm trở thành nhà môi giới ngoại giao trung lập cho một cuộc tranh luận có lẽ cam go nhất trong lịch sử. Ý định tham gia của Thụy Điển cho thấy trở ngại đầu tiên mà Washington và Bình Nhưỡng phải vượt qua, đó chính là tìm được địa điểm tổ chức cuộc gặp mặt giữa hai bên.
Bình Nhưỡng hay Moskva (Nga) đều không phải là nơi mà ông Trump đồng ý tới. Ngược lại, Washington, Seoul (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản) cũng là địa điểm mà Kim Jong-un không muốn đến.
Thực tế cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên có vẻ như đang có khuynh hướng muốn tổ chức các cuộc gặp mặt cấp cao nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế đối với Triều Tiên. Những tiền lệ về các cuộc gặp mặt trước đây giữa Triều Tiên và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Hàn Quốc, Mỹ đã chứng minh điều này. Việc đương kim Tổng thống Mỹ Trump sẽ đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un là một điều khó tin.
Hai địa điểm lý tưởng khác có thể dùng làm nơi tổ chức hội đàm Mỹ-Triều là Bắc Kinh (Trung Quốc) và Khu vực phi quân sự (DMZ) nằm giữa hai miền Triều Tiên. Bắc Kinh chắc chắn sẽ chào đón hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Tuy nhiên, kể cả khi Bắc Kinh sẵn sàng chào đón ông Kim Jong-un, rất có thể ông Trump lại không muốn đến Trung Quốc - quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực cùng với Washington. DMZ cũng vậy, địa điểm này có thể được ông Kim Jong-un chấp nhận nhưng sẽ không phải là nơi mà ông Trump muốn đến.
Gạt qua vấn đề về địa điểm tổ chức, nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thực sự diễn ra, thì mâu thuẫn giữa Triều Tiên, Mỹ và 4 quốc gia quyền lực khác trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản) cũng sẽ không thể được đồng thời giải quyết chỉ trong một cuộc đàm phán.
Bình Nhưỡng không muốn thương lượng về việc xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đó là đòn bẩy duy nhất mà Triều Tiên hiện có. Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân nếu muốn phá vỡ bế tắc, nhưng đây là một triển vọng không mấy sáng sủa.
Thực tế, ông Kim Jong-un sẽ thu được nhiều lợi ích hơn ông Trump từ cuộc gặp mặt giữa hai bên. Điều đó giúp nâng cao vị thế quốc tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dù cho cuộc gặp được tổ chức ở bất cứ đâu.
Quyết định mới đây nhất của ông Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson - một phần vì những bất đồng trong quan điểm về Triều Tiên - để thay bằng ông Mike Pompeo, một người có quan điểm cứng rắn, đã khiến các nước đồng minh của Mỹ càng mất niềm tin rằng cuộc gặp mặt đó sẽ tìm ra giải pháp xoa dịu căng thẳng tại khu vực.
Bài viết cho rằng bất chấp những nghi ngờ về việc cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên có được tổ chức hay không, song cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao này vẫn sẽ là một bước tiến ngoại giao tầm vóc lịch sử của thế giới.
Cả Mỹ và Triều Tiên đều sẽ đạt được một số lợi ích từ cuộc gặp Mỹ-Triều Tiên. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều chướng ngại vật trên con đường dài phía trước mà cả hai cần phải vượt qua.