Mujtaba Rahman, người đứng đầu Văn phòng đại diện của Tập đoàn Eurasia tại châu Âu mới đây nhận định, EU đang phải đối mặt với một năm đầy lo lắng trong bối cảnh diễn ra các cuộc bầu cử - cả ở chính châu Âu và ở Mỹ.
Ở “Lục địa già”, có vẻ như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6 sẽ không bị áp đảo bởi chủ nghĩa dân túy. Nhưng việc các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy, vị thế của phe trung hữu có thể sẽ giảm thêm so với cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019.
Các đảng cầm quyền ở Pháp và Đức có khả năng nhận được kết quả bầu cử kém, điều này gần như chắc chắn sẽ làm suy yếu thêm quyền lực của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Vấn đề đó cũng sẽ làm tăng thêm mối lo lắng của cả hai nhà lãnh đạo đối với các vấn đề đối nội.
Thủ tướng Scholz từ lâu đã điều hành chính phủ với một liên minh không ổn định và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây của Đức sẽ làm suy giảm thêm năng lực chính trị, cùng với đó là sức mạnh tài chính của nước này về các chính sách đầy tham vọng của EU. Về phần mình, Tổng thống Macron không thiếu tham vọng nhưng lại phải đối mặt với những thách thức trong nước.
Hơn nữa, các chính phủ mới được thành lập và chưa không ổn định ở các quốc gia thành viên lớn như Tây Ban Nha và Ba Lan cũng sẽ hầu như có xu hướng giải quyết vấn đề chia rẽ nội bộ ở trong nước của họ. Những thực tế chính trị này sẽ khiến các nước thành viên gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết hàng loạt thách thức mà EU sẽ phải đối mặt trong năm nay.
Thứ nhất, việc đoàn kết EU liên quan đến ủng hộ Ukraine và chống lại Nga có thể trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây - làm suy yếu sức mạnh của Kiev khi cuộc chiến tiếp tục bế tắc. Đặc biệt, nỗ lực mở rộng của EU đối với Ukraine, vốn đang gặp phải những trở ngại chính trị, sẽ càng khó khăn hơn khi ý nghĩa thực sự của việc gia nhập đối với EU trở nên rõ ràng hơn - và khi những kỳ vọng về cải cách ở Kiev ngày càng tăng.
Di cư cũng có thể trở thành một vấn đề gây bất ổn, đặc biệt là do những cải cách chưa triệt để của EU đối với hệ thống phân bổ tị nạn. Dòng người di cư không suy giảm sẽ ngày càng thách thức sự đoàn kết, gắn kết và an ninh biên giới của EU. Việc tìm cách ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp bằng biện pháp thu hút hợp tác từ những nước ở ngoại vi châu Âu, như EU đã làm trong quá khứ, sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Trên hết, nền kinh tế EU cũng được dự đoán sẽ gặp khó khăn trong năm nay, tạo thêm áp lực cho Brussels trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của châu lục này. Hơn nữa, khi các nền kinh tế lớn chạy đua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp xanh và kỹ thuật số, EU có nguy cơ tụt lại phía sau Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn do thực tế là EU vẫn thiếu lập trường quyết đoán về Trung Quốc.
Ngay cả câu hỏi ai sẽ lãnh đạo các thể chế ở Brussels cũng có thể gây tranh cãi hơn, nhất là khi Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất phía trước chắc chắn sẽ là phản ứng của EU trước khả năng quay trở lại nắm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Chiến thắng của ông Trump sẽ khơi lại căng thẳng xuyên Đại Tây Dương, cản trở đáng kể sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine và cũng làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.
Vấn đề lớn nhất là việc ông Trump có thể thúc đẩy Mỹ rút khỏi NATO, cũng như trật tự chính trị và an ninh châu Âu, do đó sẽ tạo thành một “cơn ác mộng” hiện hữu.
Tóm lại, năm năm sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu hiện tại Ursula von der Leyen tuyên bố ý định lãnh đạo một cơ quan điều hành EU “địa chính trị”, tham vọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Brussels được cho là đã xung đột với thực tế do những hạn chế chính trị nội bộ.
Hiện EU đang có xu hướng hướng nội, rủi ro là không đạt được mục tiêu một EU "địa chính trị", thay vào đó, một châu Âu cô lập hơn dường như ngày càng rõ ràng, dẫn đến EU không có khả năng giải quyết một cách đáng tin cậy hàng loạt thách thức ngày càng gia tăng mà họ đang phải đối mặt.