Chín tháng kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện nhiều công việc lớn hơn so với những người tiền nhiệm tính từ thời ông Đặng Tiểu Bình, người đã giúp Trung Quốc cải cách và mở cửa năm 1978 và qua đời năm 1997. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Sự nổi lên của ông Đặng Tiểu Bình khởi nguồn cho một chu kỳ mới trong nền chính trị, kinh tế và xã hội Trung Quốc, một thời kỳ mà chính ông Đặng Tiểu Bình vừa làm "chất xúc tác", vừa một phần giám sát thực hiện. Vậy, liệu sự nổi lên của ông Tập Cận Bình, vào thời điểm mà mô hình quản trị ông Đặng Tiểu Bình lập ra nay đã đạt đến giới hạn, có tạo ra sự thay đổi lớn tương tự trong nền chính trị Trung Quốc?
Theo đánh giá của mạng tin "Stratfor", để làm được điều này, ông Tập sẽ đối mặt với nhiều thách thức vô cùng lớn trong những năm tới. Rõ ràng, ông Tập Cận Bình vẫn chưa đạt tới tầm của ông Đặng Tiểu Bình. Thời gian sẽ trả lời mức độ củng cố quyền lực của ông Tập sẽ thể hiện như thế nào trong mô hình quản trị của Trung Quốc.
Nói cụ thể hơn, đó là sự thay đổi từ thể chế ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, mô hình đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc trong những năm 1990 và 2000 sang việc ra quyết định chỉ dựa trên chính vị Chủ tịch Tập Cận Bình. Thế nhưng, để có được một sự thay đổi như vậy, những trở ngại phía trước sẽ là rất lớn.
Tuy nhiên, dư luận cũng ngày càng nhận thấy rằng ông Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm của mình, và sự khác biệt của ông không chỉ phản ánh ở góc độ con người mà quan trọng hơn nó phản ánh một thời cơ mới của đất nước và việc tổ chức lại cơ cấu chính trị của Trung Quốc. Mô hình quản trị dựa trên sự đồng thuận tương ứng với chu kỳ tăng trưởng kinh tế sau năm 1992 sẽ không đủ để chèo lái Trung Quốc vượt qua thập kỷ khó khăn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Thực tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhanh chóng nắm quyền xử lý các vấn đề chính trị và quân sự của đất nước, những nhiệm vụ cốt lõi của của một vị Chủ tịch nước kể từ thời ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền năm 1993. Ông đã lập ra một Hội đồng An ninh Quốc gia mới, giống mô hình của Mỹ, nhằm tìm cách thống nhất và nắm quyền kiểm soát cả an ninh nội địa và quốc tế dưới tay mình và các cố vấn thân cận nhất.
Ông đã đồng thời phát động chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng mà đáng chú ý là đánh vào hai trụ cột quan trọng thể hiện quyền lực của Đảng Cộng sản: khu vực doanh nghiệp Nhà nước và lực lượng công an.
Kể từ Hội nghị Trung ương 3, ông Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng rằng, chính ông chứ không phải Thủ tướng Lý Khắc Cường, mới là người ra các quyết định và là động lực chính cho sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc. Điều này rất khác với những người tiền nhiệm trước đó khi vị trí Thủ tướng có vai trò nổi bật hơn trong điều hành, cải cách kinh tế đất nước.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những nỗ lực củng cố vị trí của ông Tập Cận Bình có báo trước những thay đổi sâu sắc hơn đối với hệ thống chính trị của Trung Quốc trong những năm tới đây hay không.
Sự suy thoái kinh tế Trung Quốc đã bộc lộ những rạn nứt sâu sắc trong mô hình quản trị, sự khác biệt được thể hiện rõ ràng trong mọi lĩnh vực từ tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năng suất dư thừa trong các ngành công nghiệp quan trọng như bất động sản và sắt thép. Sự mất cân đối không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà nó gắn chặt với thể chế chính trị hiện tại của Trung Quốc. Để loại bỏ những mất cân bằng sẽ đòi hỏi phải có cải cách cơ cấu.
Cho tới nay, giới phân tích phương Tây vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc. Câu hỏi đặt ra không phải liệu Trung Quốc sẽ chuyển đổi hay không, mà thực tế chuyển đổi đó đã và đang diễn ra kể từ năm 2008 - 2009. Nhưng sự chuyển đổi đó diễn ra thế nào, cái gì bị phá đi và những gì xuất hiện để thay thế nó là một vấn đề khác.
Dư luận hiện vẫn tỏ ra hoài nghi về việc khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể lãnh đạo Trung Quốc vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi này mà không vấp phải những cú sốc về kinh tế, chính trị và xã hội ở Trung Quốc.
Quang Tuyến