Năm 2023, toàn thế giới chú ý tới cuộc chiến ở châu Âu (xung đột Nga - Ukraine) và ở Trung Đông (xung đột Israel - Hamas). Năm 2024 được dự đoán là một năm đầy biến động. Cuộc chiến ở Ukraine đang đi vào bế tắc trong khi cuộc xung đột ở Dải Gaza có nguy cơ mở rộng thành một cuộc chiến tranh toàn khu vực. Và tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống đang đẩy một quốc gia ngày càng bị chia rẽ đối mặt với những rủi ro chưa từng có đối với nền dân chủ của mình.
Nền dân chủ Mỹ bị thử thách
Trong khi quân đội và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hàng đầu thế giới thì hệ thống chính trị nước này lại hoạt động kém hiệu quả hơn bất kỳ nền dân chủ công nghiệp tiên tiến nào khác. Năm 2024, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ chính trị trong nước, thử thách nền dân chủ Mỹ ở mức độ mà quốc gia này chưa từng trải qua trong 150 năm và làm suy yếu uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Trung Đông bên bờ vực
Cuộc chiến ở Gaza có nguy cơ lan rộng năm 2024, với một số diễn biến có thể dẫn đến leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Một số sự kiện có thể lôi kéo Mỹ và Iran trực tiếp hơn vào cuộc chiến. Cuộc xung đột sẽ gây ra rủi ro cho nền kinh tế thế giới, làm gia tăng sự chia rẽ về địa chính trị và chính trị, đồng thời khơi dậy chủ nghĩa cực đoan toàn cầu.
Con đường nhanh nhất dẫn đến leo thang sẽ là quyết định của Israel hoặc Hezbollah tấn công bên kia. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Israel đã cam kết loại bỏ mối đe dọa từ Hezbollah. Nếu Israel tấn công phủ đầu, quân đội Mỹ sẽ can dự và Iran sẽ hỗ trợ Hezbollah.
Lực lượng Houthi cũng đang theo đuổi con đường leo thang, còn các lực lượng Shitte hoạt động ở Iraq và Syria đã gia tăng các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ. Không quốc gia nào liên quan Gaza muốn một cuộc xung đột khu vực nổ ra, nhưng bối cảnh hiện nay khiến nguy cơ leo thang cao.
Ukraine nguy cơ bị chia cắt
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu của năm 2024. NATO có thêm sức mạnh nhờ các thành viên mới Phần Lan và năm nay có thể là Thụy Điển. EU đã mở quy trình gia nhập thành viên cho Ukraine. Nga đã phải đối mặt với 11 đợt trừng phạt, và nhiều lệnh trừng phạt khác đang được xem xét trong khi một nửa tài sản ở nước ngoài của nước này đã bị phong tỏa - số tiền mà các nước phương Tây đang muốn sử dụng để tái thiết Ukraine. Châu Âu không còn mua năng lượng của Nga, nhưng Ukraine trên thực tế có thể bị chia cắt trong năm nay và Nga hiện có thế chủ động trên chiến trường với lợi thế về nguồn lực.
Năm 2024 là một điểm bước ngoặt của cuộc chiến: nếu Ukraine không giải quyết các vấn đề về nhân lực, tăng cường sản xuất vũ khí và sớm thiết lập một chiến lược quân sự khả thi, thì tổn thất (về lãnh thổ) của nước này có thể tăng lên hơn nữa. Kiev đã phải hứng chịu một đòn nặng nề do sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ Mỹ giảm sút, trong khi triển vọng về sự hỗ trợ của EU chỉ tốt hơn một chút. Ukraine cũng đang cần bổ sung thêm quân.
Vì tất cả những lý do này, Kiev sẽ phải đối mặt với những rủi ro quân sự lớn hơn trong năm nay, bao gồm cả việc tấn công vào nhiều mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, gây ra những phản ứng chưa từng có của Moskva và có thể kéo NATO vào cuộc xung đột.
AI không được quản lý
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ vượt xa khả năng quản trị trong lĩnh vực này năm 2024 khi các nỗ lực quản lý chậm lại: những công ty công nghệ phần lớn vẫn không bị hạn chế, trong khi các mô hình và công cụ AI mạnh mẽ hơn nhiều, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ.
Cuộc chiến vì nguồn khoáng sản quan trọng
Các khoáng sản quan trọng sẽ là thành phần quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và an ninh quốc gia trong thế kỷ 21, từ năng lượng sạch đến điện toán tiên tiến, công nghệ sinh học, giao thông vận tải và quốc phòng. Năm 2024, các chính phủ trên thế giới sẽ tăng cường áp dụng các chính sách công nghiệp và hạn chế thương mại nhằm làm gián đoạn dòng chảy của các khoáng sản quan trọng.
Cú sốc từ lạm phát
Cú sốc lạm phát toàn cầu bắt đầu từ năm 2021 sẽ tiếp tục gây lực cản kinh tế và chính trị vào năm 2024. Lãi suất cao do lạm phát dai dẳng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới và các chính phủ sẽ có rất ít cơ hội để kích thích tăng trưởng hoặc ứng phó với những cú sốc, làm gia tăng căng thẳng tài chính, bất ổn xã hội và bất ổn chính trị.
Hiện tượng El Nino quay trở lại
Năm 2024, vấn đề khí hậu El Nino có thể xuất hiện những diễn biến phức tạp, kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan gây mất an ninh lương thực, gia tăng căng thẳng về nước, gián đoạn hậu cần, lây lan dịch bệnh, thúc đẩy di cư và bất ổn chính trị, đặc biệt là ở các quốc gia vốn đã suy yếu do đại dịch COVID-19 và những cú sốc về giá năng lượng và lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.