Cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg cho thấy tỷ lệ tái cấp vốn (hiện ở mức 4,5%) được cho là sẽ được giữ nguyên cho đến năm 2025 trong bối cảnh tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phục hồi nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ lệ này được cắt giảm 3 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2022, từ mức đỉnh 6% xuống còn 4,5%.
Trong cuộc khảo sát trước đó, các nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong quý I/2024. Giới phân tích cũng nâng dự báo lạm phát chung cho năm 2024, và hiện kỳ vọng giá cả sẽ tăng ở mức 3,6% trong quý I/2024 và 4,05% trong quý II/2024 (tăng so với mức 2,9% và 3,3% lần lượt trong quý I/2023 và quý II/2023).
Giới phân tích dự đoán lạm phát trong cả năm 2024 sẽ ở mức 3,5% (so với mức 3% trong năm 2023), trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025. Lạm phát trong năm 2024 vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4 - 4,5%.
Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là gánh nặng “đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại mức trên 6% bằng cách thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích chi tiêu” sẽ đè nặng lên Chính phủ.
Theo cuộc khảo sát trên, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I/2024 và 6,5% trong quý II/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.
Ông Han Teng Chua, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank), nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Chi phí lương cạnh tranh, mạng lưới hiệp định thương mại rộng khắp và môi trường kinh doanh thuận lợi là những lợi thế quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.