Những mối lo khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung còn chưa được ký

Nội dung của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một đã được công bố nhưng khi văn bản này chưa được ký kết, giới doanh nhân và quan sát vẫn thận trọng về viễn cảnh các cam kết được thực hiện.

Chú thích ảnh
Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, trong khi Mỹ hủy kế hoạch áp thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Lúc đó là nửa đêm, giờ Washington, một tin nhắn gửi từ một cựu quan chức Mỹ viết: “Ngày quái quỷ! Hẳn là Thứ Sáu Ngày 13!”.

Tin nhắn đó đã tóm gọn chính xác một tuần hỗn loạn kết thúc với việc hai phía Mỹ và Trung Quốc nhất trí với văn bản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. Đổi lại, Mỹ sẽ hủy kế hoạch áp thuế 15% lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12, đồng thời giảm một nửa mức thuế 15% đã áp lên 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 năm nay. Tuy vậy, hiện tại Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hai bên dự kiến ký kết thỏa thuận giai đoạn một vào đầu tháng 1/2020 và cam kết tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận giai đoạn hai qui mô lớn hơn.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, những tiến bộ đạt được về cơ bản đã được hoan nghênh. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải Ker Gibbs nói rằng "thỏa thuận đã thể hiện cam kết và ý định của cả hai bên, và điều đó là tích cực. Thỏa thuận giai đoạn một, kể cả bị giới hạn về phạm vi, sẽ giúp xây dựng niềm tin và động lực khi các nhóm đàm phán chuyển sang các vấn đề quan trọng hơn".

Tuy nhiên, ông Gibbs và nhiều người khác đã theo dõi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong gần một năm rưỡi qua vẫn đang đứng trước một câu hỏi: Tiếp theo thỏa thuận giai đoạn một sẽ là gì?

“Một thỏa thuận như vậy cần phải chặt chẽ, và sẽ mất vài tháng chúng ta mới biết liệu các cam kết của Trung Quốc có được thực hiện hay không. Thỏa thuận có vẻ đầy hứa hẹn. Bây giờ hãy xem thực tế sẽ ra sao”.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin. Ảnh: Reuters

Nhận xét nói trên của ông Gibbs tương đồng với góc nhìn của giới doanh nhân quốc tế và luật sư thương mại tại Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Sau một quá trình đàm phán kéo dài, có những thời điểm rơi vào lộn xộn, họ tỏ ra lạc quan thận trọng, đặc biệt là khi thỏa thuận vẫn chưa được ký kết.

“Là một cựu chuyên gia đàm phán, tôi luôn cảm thấy không hài lòng với việc công bố bất kỳ thỏa thuận nào mà các bên chưa ký”, ông Stephen Olson, thành viên cao cấp tại Quỹ Hinrich của Hong Kong, một cựu quan chức thương mại Mỹ phát biểu.

Văn bản mà hai bên đã nhất trí giờ đây sẽ được xem xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý. Các luật sư sẽ xem xét văn bản đàm phán cuối cùng để đảm bảo mọi thứ đều chính xác và đúng quy trình. Theo Tân Hoa Xã, văn bản này cũng cần phải trải qua quá trình dịch thuật và rà soát lỗi. Nhìn chung đây là một quá trình khó khăn, có thể gặp trục trặc ở sắc thái thể hiện của ngôn ngữ và dịch thuật.

“Thường là trong những bước đàm phán cuối cùng, có những phần hoặc đoạn được thêm vào hoặc xóa khỏi văn bản. Những chi tiết bị sót, như dấu phẩy, có thể tạo ra sự khác biệt cơ bản trong cách diễn giải pháp lý của tài liệu về lâu dài”, ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Thương mại châu Á cho hay.

Tuy nhiên, trong thế giới của các hiệp định thương mại, thỏa thuận Mỹ- Trung giai đoạn một là một thỏa thuận ngắn. Văn bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương dài tới hơn 5.000 trang, trong khi thỏa thuận này chỉ dài 86 trang. Trước đó, văn bản thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh hủy bỏ hồi tháng Năm dài gần 150 trang. "Thỏa thuận Tháng Năm" có phạm vi rộng hơn và được cho là đi kèm với một tiêu đề nói rằng “Chỉ dành cho mục đích thảo luận”. Và khó khăn trong việc đạt nhất trí ở mục này đã thuyết phục cả hai bên theo đuổi một thỏa thuận có quy mô thu gọn hơn.

Thông thường thì việc một thỏa thuận được công bố trước khi ký kết cũng không gây ra vấn đề gì lớn. Nhưng các chuyên gia cho rằng, thời gian thỏa thuận chờ đợi được ký càng lâu, thì nguy cơ bị gián đoạn hoặc bị hủy vào phút chót càng lớn.

“Ngay cả khi thỏa thuận được thông qua, các vấn đề gai góc về cơ cấu và tiếp cận thị trường liên quan đến các khoản trợ cấp, không gian mạng, dịch vụ phi tài chính vẫn chưa được giải quyết; có nghĩa là giai đoạn hai sẽ đối mặt nguy cơ nhanh chóng đưa chúng ta trở lại môi trường căng thẳng”, một cựu quan chức cao cấp thời chính quyền Tổng thống Obama nhận xét, và nói thêm: “Những vấn đề địa chính trị khác cũng có thể làm chệch hướng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, như vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và Biển Đông”.

Chú thích ảnh
Theo thỏa thuận giai đoạn 1, hai bên sẽ đình chỉ vô thời hạn việc áp đặt các mức thuế mới và cam kết tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận giai đoạn hai rộng lớn hơn. Ảnh: Getty Images

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16/12, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Fu Linghui, nói rằng "chúng tôi hy vọng hai bên có thể tiếp tục đàm phán từng bước, để dần dần giảm nhẹ hoặc hoàn toàn xóa bỏ các mức thuế bổ sung”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/12 cũng nói rằng các cuộc đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai sẽ bắt đầu ngay lập tức, thay vì phải chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020.

Nhìn chung, những người ủng hộ thương mại sẽ thích một thỏa thuận thực chất hơn, nhưng không ít người cũng thừa nhận rằng việc mở lại các cuộc đàm phán có thể tạo ra nhiều không gian cho bất đồng. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có chuyện gì đó xảy ra và cuộc đàm phán này cuối cùng không được thực hiện. Hãy chờ cho đến khi nó được ký và chúng ta có thể tận mắt xem văn bản”, một cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ nói.

Các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc thì không trông đợi thỏa thuận giai đoạn một sẽ gỡ bỏ được những rào cản chính. Bà Helen Qiao, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America (BoA), cho rằng, “một giai đoạn đình chiến ầm ĩ đang chờ phía trước”, với nguy cơ gián đoạn. “Chúng tôi thừa nhận nguy cơ giai đoạn đình chiến này sẽ không suôn sẻ trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ”, bà Helen lưu ý.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Đã hạ nhiệt, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao
Đã hạ nhiệt, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng những leo thang mới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Đây là nhận định được hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đưa ra ngày 17/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN