Những cơn đau đầu ngoại giao mà Tổng thống Trump để lại cho ông Biden vào phút chót

Trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại cho người kế nhiệm những thách thức khó giải quyết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Alamo, bang Texas ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ ngay lập tức tập trung vào các vấn đề trong nước, ví dụ như đại dịch COVID-19 và tình trạng chia rẽ chính trị. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump, trong những ngày cuối cùng, đã để lại cho ông Biden một loạt vấn ngoại giao mới theo kiểu “tiến thoái lưỡng nan”. Trong một số trường hợp, vấn đề đó còn có tầm quan trọng sống còn.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Mỹ đã vô cớ đưa Cuba vào danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, coi nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen là tổ chức khủng bố nước ngoài và dựng thêm rào cản trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung khi dỡ bỏ hạn chế liên lạc giữa quan chức Mỹ và đại diện Đài Loan (Trung Quốc).

Những động thái này, do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, sẽ khiến ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống khi mà một số mối quan hệ đối ngoại quan trọng lại chìm trong tranh cãi.

Ông Raffaello Pantucci, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratham ở Singapore, nhận định: “Chính quyền của ông Trump đang khóa chặt một loạt cuộc xung đột, gây khó khăn cho khởi đầu nhiệm kỳ của ông Biden trên trường quốc tế”. 

Trung Quốc

Chú thích ảnh
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó khăn hơn. Ảnh: AP

Mối quan hệ khó khăn nhất về mặt ngoại giao là mối quan hệ với Trung Quốc. Vì vấn đề Đài Loan mà Mỹ không thuận lợi khi muốn hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và hàng loạt vấn đề khác.

Không chỉ thế, nếu chính quyền của ông Biden muốn phối hợp với đồng minh châu Âu trong vấn đề Trung Quốc, nhiệm vụ cũng không phải dễ dàng. Các quốc gia châu Âu có quan điểm rất khác nhau về Trung Quốc.

Trong các vấn đề liên quan Trung Quốc, có người cho rằng ông Biden có thể đơn giản là đảo ngược chính sách sau khi nắm quyền. Tuy nhiên, theo ông Pantucci, điều đó có thể khiến ông Biden phải trả giá về mặt chính trị ở Mỹ.

Yemen

Chú thích ảnh
Trẻ em bị suy dinh dưỡng do nạn đói kéo dài ở Hajjah, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn đề Yemen cũng “đau đầu” không kém, thậm chí còn gây chết người. Cuộc chiến ở Yemen giữa chính phủ do Saudi Arabia hậu thuẫn và phe nổi dậy Houthi do Iran ủng hộ đã kéo dài từ năm 2014. Con đường ngoại giao để chấm dứt xung đột cho tới nay đã thất bại.

Liên hợp quốc đã coi Yemen là nước xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới khi trên 24 triệu người (80% dân số) đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó trên 12 triệu người là trẻ em.

Chú thích ảnh
Quân Houthi tại một khu vực ở thủ đô Sanaa, Yemen, ngày 3/1/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Chris Doyle, Giám đốc Hội đồng Arab-British Understanding, nhận định: “Việc coi Houthi là tổ chức khủng bố sẽ không hỗ trợ giải quyết xung đột theo cách này hay cách khác mà thực sự còn làm nó kéo dài hơn. Có nguy cơ những nhân vật cứng rắn trong Houthi sẽ cảm thấy có thêm động lực hướng tới Iran hơn. Họ sẽ không sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao hoặc thương lượng bên ngoài với Saudi Arabia”.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này càng kéo dài, những người cần hỗ trợ nhân đạo sẽ lâm vào tình thế tồi tệ hơn. Coi Houthi là khủng bố sẽ càng khiến các tổ chức hỗ trợ khó khăn hơn trong phân phát thực phẩm, thuốc men cho Yemen, khó duy trì nhân sự tại đất nước này.

Cuba

Chú thích ảnh
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu tại một diễn đàn ở Caracas, Venezuela ngày 28/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Ngoại trưởng Pompeo coi Cuba là quốc gia bảo trợ khủng bố có thể sẽ có ít ảnh hưởng thực tế nhất, nhưng lại là mất mát cá nhân với ông Biden.

Khi đưa Cuba vào danh sách này, chính quyền của ông Trump đang đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama trong bình thường hóa quan hệ với Cuba

Hành động cuối cùng với Cuba này có thể sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài. Ông Pantucci nói: “Giờ nếu người Mỹ tới Cuba và nói họ muốn quay lại thời kỳ cuối nhiệm kỳ của ông Obama, thì Cuba có câu hỏi hoàn toàn hợp lý là tại sao mình phải bận tâm khi có thể có ai đó như ông Trump sẽ được bầu làm tổng thống Mỹ năm 2024”.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden (phải) và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris (trái) tại cuộc họp báo ở Wilmington, bang Delaware ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Thiết lập lại quan hệ với Cuba, mặc dù không phải là mối ưu tiên hàng đầu nhưng cũng sẽ là điều ông Biden cân nhắc vì ông từng là phó tổng thống của ông Obama.

Theo ông Leslie Vinjamuri thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia ở London, đây thực sự là những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump và họ dường như đang đặt nền tảng cho những gì có thể dựa vào sau này. Ông cho rằng động thái cuối cùng của ông Pompeo có thể là nỗ lực hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Theo CNN, ông Biden sẽ sớm nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng, nhưng ảnh hưởng của ông với thế giới sẽ còn kéo dài nhiều năm. Có thể ông Biden sẽ mất cả nhiệm kỳ để giải quyết những vấn đề mà người tiền nhiệm đặt ra vào phút chót.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Phiên luận tội Tổng thống Trump có thể bắt đầu ngay ngày ông Biden nhậm chức
Phiên luận tội Tổng thống Trump có thể bắt đầu ngay ngày ông Biden nhậm chức

Phiên phán xử luận tội lần thứ 2 đối với Tổng thống Donald Trump có thể được tiến hành ngay sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN