Chỉ còn tròn 1 tháng là đến thời hạn phải đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran. Theo tờ "Chính trị Thế giới", các cuộc thương lượng giữa Iran với Nhóm P5+1 đang trở nên gấp gáp chưa từng thấy nhằm san bằng những trở ngại cuối cùng có thể cản trở một thỏa thuận vào phút chót.
Đại diện của Iran và nhóm P5+1 trước khi bước vào bàn đàm phán tại Lausanne, Thụy Sỹ hồi đầu tháng 4). |
Nhằm đạt được mục tiêu này, một vòng thương lượng mới giữa Iran và Nhóm P5+1 đã diễn ra vào tuần trước để thảo luận về những bất đồng chính: các cơ chế kiểm chứng việc Iran tôn trọng thỏa thuận; nhịp độ hủy bỏ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế áp đặt cho Iran và mức độ làm giàu urani của Tehran. Theo các nhà phân tích, nếu Iran và Nhóm P5+1 không đạt được thỏa thuận về 3 vấn đề trên thì toàn bộ cuộc thương lượng của họ từ nhiều năm nay sẽ "tan thành mây khói".
Vào thời điểm hiện tại, các cuộc thương lượng về những vấn đề này vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Một trong những nhà thương lượng chính của Iran, ông Abbas Araghchi, nói: "Do quy mô và tính phức tạp của các vấn đề, nên những tiến bộ trong các cuộc thảo luận còn rất chậm". Trong khi các chủ thể chính đang nỗ lực trong suốt những tháng qua để đạt được một thỏa thuận cuối cùng, căng thẳng ngày càng trở nên rõ rệt khi thời hạn chót "ngày 30/6" đang tới gần, đặc biệt khi Iran đang trở nên dè dặt hơn bao giờ hết.
Theo một số nhà quan sát, thay vì thể hiện những sự nhượng bộ để đạt được thỏa thuận nhằm cứu vãn nền kinh tế đang bị kiệt quệ vì lệnh trừng phạt, dường như Iran lại đang làm cho phức tạp gia tăng khi vừa muốn áp đặt các điều kiện riêng của mình, vừa muốn làm hài lòng các nhân vật bảo thủ trong nước - những người đang muốn ngừng các cuộc thương lượng với Mỹ, khi 80/290 nghị sĩ Iran đã trình lên Quốc hội nước này một dự luật đòi ngừng các cuộc thương lượng với Mỹ cho đến khi nước này chấm dứt đe dọa Iran. Tuy nhiên, nếu dự luật này được thông qua thì các nhà thương lượng Iran vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán với các thành viên còn lại trong Nhóm P5+1.
Trong những ngày thương lượng vừa qua, Tehran đã kiên quyết từ chối các yêu cầu của phương Tây "được tự do tiếp cận các cơ sở quân sự của Iran". Ngay cả Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Tổng thống Hassan Rowhani cũng khẳng định rằng Tehran "sẽ không ký một thỏa thuận nào cho phép người nước ngoài tiếp cận các bí mật quân sự". Mahmoud Farag, chuyên gia về vấn đề Iran, phân tích: "Tất cả những gì Iran đã thể hiện trong những ngày qua trên bàn đàm phán chỉ nhằm làm hài lòng các nhân vật bảo thủ. Những người này thường xuyên chỉ trích sự nhượng bộ 'quá lớn' của các nhà thương lượng Iran và cũng để gây sức ép với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận mà Tehran càng ít phải nhượng bộ càng tốt. Ai cũng biết, hiện Iran rất cần thoát khỏi các lệnh trừng phạt để khôi phục nền kinh tế".
Hiện các cuộc mặc cả đang diễn ra giữa ông Obama và những người thuộc đảng Cộng hòa ở Quốc hội - những người phản đối thỏa thuận - để có thể ký được một thỏa thuận với Iran. Trong khi đó, để có được ưu thế trên bàn đàm phán trong những ngày tới, được coi là có tính quyết định, Iran dường như đã tỏ ra gay gắt hơn trước những bên đang cố tình chống lại thỏa thuận này, nhất là Israel, khi dọa rằng nước này đã sẵn sàng tấn công Haifa và Tel Aviv với sự giúp đỡ của Phong trào Hezbollah ở Liban nếu Iran bị Israel tấn công.
Theo báo chí Iran, hơn 80.000 tên lửa của Hezbollah đã "sẵn sàng phá hủy Tel Aviv và Haifa". Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tất cả những đe dọa này chỉ nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự của Tehran đối với các kẻ thù chứ thực ra Iran không bao giờ có thể tấn công Israel. Trên thực tế, Iran vẫn đang nóng lòng muốn xoa dịu mối quan hệ với Mỹ và thế giới bên ngoài để có được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng. Cách thức mà Tehran vẫn sử dụng trên bàn đàm phán: gây sức ép đến phút cuối để giành được lợi ích càng nhiều càng tốt. Đây cũng là "con bài cuối cùng" của Iran.