Theo hãng thông tấn TASS ngày 11/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 10/2/2007 với những tuyên bố mạnh mẽ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Sau 15 năm, những lời cảnh báo và dự báo của ông Putin từ bài phát biểu ở Munich đã trở thành sự thật như sự mở rộng của NATO, một thế giới đơn cực, các vấn đề giải trừ quân bị, sự xói mòn của OSCE với tư cách là một thể chế, vấn đề hạt nhân Iran và an ninh năng lượng của châu Âu. Dưới đây là một số dự báo chính của Tổng thống Nga đã được kiểm nghiệm qua thực tế:
Một là, sự mở rộng về phía đông của NATO làm gia tăng căng thẳng. Trong bài phát biểu cách đây 15 năm, ông Putin nêu rõ: "Việc mở rộng NATO không có bất kỳ mối quan hệ nào với việc hiện đại hóa bản thân Liên minh, hay với việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngược lại, nó thể hiện một hành động khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau".
Kể từ đó, bốn quốc gia khác - Albania, Croatia, Montenegro và Bắc Macedonia - đã được kết nạp vào NATO. Hơn nữa, vào năm 2008, một năm sau bài phát biểu tại Munich của Putin, một tuyên bố chính trị đã được thông qua nói rằng với thời gian Ukraine và Gruzia cũng sẽ có thể gia nhập NATO.
Các sự kiện sau đó chỉ đơn thuần xác nhận rằng chính sách này chứa đầy những khiêu khích và sắp hạ cấp mức độ an ninh ở châu Âu. Cùng năm 2008, Tổng thống Gruzia khi đó là Mikhail Saakashvili được khuyến khích khởi động một cuộc phiêu lưu quân sự ở Nam Ossetia, gây ra thương vong nặng nề.
Tham vọng của khối liên minh Bắc Đại Tây Dương do Mỹ thống trị đã đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện năm 2014 ở Crimea. Ông Putin sau đó nói rằng Nga không chỉ bảo vệ người dân Crimea khỏi các phần tử cực đoan, mà còn thấy không thể để "các lực lượng NATO đặt chân lên đất Crimea và Sevastopol, vùng đất chiến đấu vinh quang của binh sĩ và thủy thủ Nga".
Những rủi ro của việc Ukraine gia nhập NATO, có thể dẫn đến mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với lãnh thổ của Nga, là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngoại giao hiện nay. Đây chính xác là những gì Putin đã cảnh báo cách đây 15 năm.
Hai là, dân chủ “ép buộc” sẽ không hiệu quả. Ông Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Munich: "[Việc tuân thủ nhân quyền] là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi ủng hộ điều này. Nhưng điều này không có nghĩa là can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, và đặc biệt là không áp đặt một chế độ quyết định các quốc gia này phải sống và phát triển như thế nào. Rõ ràng là sự can thiệp đó hoàn toàn không thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia dân chủ mà ngược lại, nó khiến các quốc gia này bị lệ thuộc và hậu quả là bất ổn về mặt chính trị và kinh tế".
15 năm qua đã chứng kiến khá nhiều ví dụ về những nỗ lực gây mất ổn định như vậy nhằm tạo ra các "chuẩn mực dân chủ", chẳng hạn như chuỗi cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" ở Tunisia, Ai Cập và Yemen và các cuộc nội chiến ở Libya, Syria. Sự can thiệp từ nước ngoài như vậy, mà ông Putin mô tả là không thể chấp nhận được, đã gây ra hàng chục nghìn người thương vong, một số quốc gia thực sự mất chủ quyền và sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi đó, Nga đã góp phần cứu Syria khỏi sự sụp đổ và đang thúc đẩy một giải pháp hòa bình ở Libya và các nước bị ảnh hưởng khác, nhưng khi làm như vậy, nước này không tìm cách đưa ra bất kỳ quy tắc nào.
Trong danh sách các nạn nhân của quá trình dân chủ hóa cưỡng bức, Ukraine cũng là một ví dụ. Cuộc đảo chính ở Kiev được dàn dựng bởi những người cấp tiến tự phong, nhận được sự ủng hộ chính trị và ngoại giao từ phương Tây. Sự thay đổi triệt để của chính phủ ở Ukraine đã dẫn đến việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga. Đúng như ông Putin đã cảnh báo, nền dân chủ chân chính không bao giờ dẫn đến những điều kiện như vậy.
Ba là, thế giới đơn cực sụp đổ. Ông Putin nói trong bài phát biểu tại Munich: "Tôi cho rằng mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được mà còn không thể thực hiện được trong thế giới ngày nay. Bản thân mô hình này là thiếu sót vì không đại diện cho nền văn minh hiện đại. Không có lý do gì nghi ngờ rằng tiềm năng kinh tế của các trung tâm mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị chuyển thành ảnh hưởng chính trị và sẽ củng cố đa cực".
Tại Munich, ông Putin nhấn mạnh ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay cả ngày nay, các quốc gia này vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một hệ thống quan hệ quốc tế đa cực công bằng.
Ý tưởng của Tổng thống Nga rằng một thế giới đơn cực là không thể đã tiếp tục được củng cố bởi các dữ liệu kinh tế trong những năm gần đây. Ví dụ, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần (ước tính năm 2021 là khoảng 18 nghìn tỷ USD) và mặc dù con số này vẫn thấp hơn của Mỹ, nhưng khoảng cách giữa hai nước đã giảm đáng kể so với năm 2007. Đồng thời, Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc có thể vượt Mỹ về quy mô tổng sản phẩm quốc nội vào khoảng năm 2033.
Bối cảnh chính trị và kinh tế cũng đã thay đổi đáng kể, trong đó vai trò đặc biệt hiện thuộc về G20, một biểu hiện của thế giới đa cực. Cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 được tổ chức năm 2008. Ban đầu hình thức này được coi là tùy chọn so với G7, thì giờ đây, nó là nền tảng kinh tế và chính trị quốc tế chính để giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu.
Cấu trúc BRICS, bao gồm các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ cùng với Nga, đã được tăng cường trong những năm qua. Các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải cải tổ IMF, WTO, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác để phản ánh cán cân quyền lực hiện tại trên trường quốc tế ngày càng được chú trọng.
Hội nghị An ninh Munich năm 2022 dự kiến diễn ra vào ngày 18/2 tới và ông Putin sẽ không tham dự, nhưng một số vấn đề đã được dự báo cách đây 15 năm.