Những bất cập trong luật an ninh mới của Nhật Bản

Những bất cập trong vấn đề đối phó các vụ bất ổn "vùng xám" sẽ tiếp tục là chủ đề trong các cuộc tranh luận liên quan đến luật an ninh mới của Nhật Bản.


Theo báo chí Nhật Bản, đầu tháng 9/2015, một tàu đổ bộ đệm khí của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã cập bến một bờ biển ở ngoại ô San Diego (Mỹ). Sau đó, binh lính thuộc Lực lượng phòng vệ (SDF) có vũ trang của Nhật Bản và lực lượng Mỹ đã dỡ hàng từ trên tàu xuống một vị trí được nguỵ trang ở bờ biển. Đây là một phần trong cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật thường niên mang tên “Dawn Blitz” (Tấn công chớp nhoáng bình minh) với tình huống giả định là lực lượng SDF và quân đội Mỹ tấn công chiếm lại một hòn đảo từ tay kẻ thù.

Tướng David Coffman - Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ - nói rằng cuộc tập trận giả định tình huống quân đội Mỹ hỗ trợ các nước đồng minh (theo yêu cầu) khi họ đối mặt với các tình huống bất ổn hoặc các mối đe dọa trong khu vực. 

Trong cuộc tập trận "Dawn Blitz" năm 2013, sự tham gia của SDF được giới hạn ở phạm vi một cuộc huấn luyện đổ bộ. Tuy nhiên, cuộc tập trận năm 2014 đã tiến gần đến mức các điều kiện chiến đấu. Trong cuộc tập trận này, một trung tâm chỉ huy được thiết lập sau khi đổ bộ, các tuyến cung cấp lương thực và trang thiết bị được bảo vệ. Các hoạt động chuẩn bị cho việc bảo vệ các đảo xa, được mặc định là “các tình huống bất ngờ của Nhật Bản”, đang được tăng dần.

Binh sĩ tham gia tập trận Dawn Blitz.

Vậy đối với các vụ bất ổn trong “vùng xám”, vốn được mặc định không phải là “một tình huống quân sự bất ngờ”, thì các hành động phản ứng sẽ như thế nào? Đây là vấn đề chưa được ngã ngũ kể cả khi Quốc hội kết thúc cuộc tranh cãi về dự luật an ninh.

Trước hết, một vụ bất ổn trong "vùng xám" là một tình huống không được xếp vào diện vụ tấn công có vũ trang, mà là một tình huống leo thang căng thẳng trong thời bình. Một vụ tấn công có vũ trang được xác định là việc sử dụng vũ lực có kế hoạch và có tổ chức dựa trên ý định của một quốc gia. Nếu tình huống đó không được xác định là một vụ tấn công có vũ trang, Nhật Bản không thể triển khai lực lượng SDF để tiến hành hoạt động phòng vệ theo quyền phòng vệ. Trong tình huống đó, cảnh sát hoặc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ được huy động để đối phó, và SDF chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Goshi Hosono cho rằng Nhật Bản cần đảm bảo các hoạt động tuần tra lãnh thổ tại quốc gia mình hơn là thảo luận về quyền phòng vệ tập thể tại những nơi xa xôi như vùng Vịnh. Ông Hosono chỉ trích luật an ninh mới của chính phủ đã đẩy cảnh sát và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản gánh trách nhiệm trước tiên trong việc đối phó với các vụ bất ổn ở "vùng xám". Theo DPJ, SDF nên được trao quyền trong một phạm vi nhất định của hoạt động cảnh sát biển.

Tuy nhiên, chính phủ bác bỏ lập luận của SDF. Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng nếu SDF thực thi quyền của cảnh sát biển trong thời bình, điều này có thể trao cho quốc gia đối địch lý do để nói rằng Nhật Bản leo thang tình hình lên mức độ “quân sự đối đầu với quân sự”.

Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, một số thành viên trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng thừa nhận luật an ninh mới không đủ để phản ứng với các vụ bất ổn trong vùng xám. Kể từ tháng 9/2014, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc tiếp cận khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, có thời điểm lên tới 200 tàu, gây chấn động dư luận Nhật Bản. Tuy nhiên, phản ứng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã trở nên quá chậm do phải hoạt động cùng lúc trên hai mặt trận khác nhau vì JCG còn phải duy trì hoạt động tuần tra ở khu vực này. Vào thời điểm đó, một số nghị sĩ của LDP đã nói rằng cần huy động lực lượng SDF.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền không xem xét lại quyền của SDF, cảnh sát và JCG. Phó Chủ tịch LDP Masahiko Komura, kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban đảng phụ trách dự luật an ninh, đã chỉ ra những khó khăn trong việc điều chỉnh quyền hạn giữa các lực lượng trên.

Một vấn đề khác liên quan đến quyền sử dụng vũ khí cũng bị để ngỏ. Thậm chí, theo luật an ninh mới, khi SDF đối mặt với một tình huống một chiếc tàu biển không tuân thủ lệnh ngừng lại, SDF chỉ được phép khai hỏa với các điều kiện tương tự như với JCG. Tuy nhiên, SDF có thể được huy động sau khi chính phủ ra lệnh tiến hành chiến dịch an ninh công cộng hoặc chiến dịch an ninh hàng hải chỉ khi chính phủ đánh giá một tình huống mà cảnh sát và JCG không đủ sức giải quyết.

Những bất cập trong vấn đề đối phó các vụ bất ổn "vùng xám" sẽ tiếp tục là chủ đề trong các cuộc tranh luận tương lai liên quan đến luật an ninh mới của Nhật Bản. Một số tình huống có thể được xếp vào diện các vụ bất ổn vùng xám:

- Tháng 12/2001: Tàu do thám của Triều Tiên chìm sau khi đấu súng với JCG ngoài khơi đảo Amami-Oshima, tỉnh Kagoshima.

- Tháng 3/2010: Cheonan, tàu tuần tra của Hải quân Hàn Quốc, bị chìm ở Hoàng Hải. Seoul kết luận là do bị Triều Tiên bắn pháo nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận.

- Tháng 9/2012: Nhật Bản ấn định việc kiểm soát một số đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu Trung Quốc tiếp tục hoạt động quanh khu vực tranh chấp này từ đó đến nay.

- Tháng 5/2014: Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trên Biển Đông.

- Tháng 9/2014 : Các tàu Trung Quốc tiếp cận các rặng san hô đỏ trong vùng tranh chấp với Nhật Bản.

- Tháng 5/2015: Một quan chức quốc phòng Trung Quốc thừa nhận các đảo nhân tạo và đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép là phục vụ cho mục đích quân sự.

TTK
Mục đích Mỹ tăng cường binh lực tới Nhật Bản
Mục đích Mỹ tăng cường binh lực tới Nhật Bản

Việc tăng cường triển khai các tàu khu trục lớp Aegis ở Nhật Bản một phần là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa của quân đội Trung Quốc, mặt khác cũng nhằm nâng cao năng lực tấn công của quân đội Mỹ tại khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN