Phe đối lập không đủ mạnh để thách thức đảng cầm quyền Nhật Bản

Bất chấp hơn 80% người được hỏi tỏ ra không hài lòng với luật an ninh mới của Thủ tướng Shinzo Abe, các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của ông Abe và Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền vẫn tiếp tục ở mức cao so với các đảng đối lập.


Lãnh đạo các đảng đối lập bày tỏ sự đoàn kết trong một cuộc biểu tình chống luật an ninh trước Quốc hội. Ảnh: Kyodo.


Theo kết quả thăm dò của Kyodo News, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Abe giảm 4,3 điểm, xuống còn 38,9% so với tháng trước và tỷ lệ ủng hộ LDP giảm 2,2%, xuống còn 32,8%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ cao nếu so với ba đảng đối lập nằm trong tốp đầu.

Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập lớn nhất, tỷ lệ ủng hộ giảm 1 điểm, xuống còn 9,5%. Đảng Duy Tân, đảng đối lập lớn thứ hai, tỷ lệ ủng hộ giảm 1,9 điểm, xuống 2,8%.

Đảng Cộng sản, đảng đối lập lớn thứ ba, tỷ lệ ủng hộ giảm 1,1 điểm, xuống còn 3,9%. Như vậy LDP vẫn duy trì được khoảng cách an toàn trước phe đối lập, tiếp tục là đảng có tỷ lệ ủng hộ cao nhất hiện nay.

Thực tế này cho thấy mặc dù phải đối mặt với sự cản trở quyết liệt từ phe đối lập song không phải là LDP mà chính là các đảng đối lập mới đang rơi vào khủng hoảng.

Trước hết, đối với DPJ, đảng này vẫn chưa khôi phục được uy tín bị suy giảm trong thời gian họ nắm quyền từ năm 2009 – 2012. Một loạt các vụ bê bối chính trị, trong đó có vụ không thực hiện được cam kết đưa ra trong giai đoạn tranh cử, đã khiến cử tri vỡ mộng.

Thứ hai là việc nội bộ của phe đối lập không đoàn kết. Trong bối cảnh các đảng đối lập chưa đủ sức đối đầu với LDP, DPJ và Đảng Duy tân đã cân nhắc khả năng liên minh với hy vọng làm mới hình ảnh.

Tuy nhiên, một nửa số nghị sĩ của Đảng Duy Tân, chủ yếu là thuộc chi bộ ở vùng Kansai, đã có kế hoạch tách đảng để thành lập một tổ chức chính trị riêng. Động thái này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của việc Đảng Duy Tân liên minh với DPJ.

Một trở ngại nữa là nhiều thành viên của DPJ không muốn giải tán đảng và lập ra một đảng mới như Chủ tịch Đảng Duy tân Yorihisa Matsuno vẫn kêu gọi. Các thành viên cấp cao trong DPJ cho rằng Đảng Duy tân nên tự giải tán và các thành viên của đảng này nên gia nhập DPJ.

Trong khi đó, ngày 3/9, một số nghị sĩ của DPJ, đã viết kiến nghị lên Chủ tịch đảng Katsuya Okada, đề nghị ban lãnh đạo giải tán đảng và lập ra một đảng mới. Động thái này ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh của Chủ tịch Đảng Duy tân Matsuno. Tuy nhiên, Chủ tịch DPJ Okada đã bình luận rằng đơn kiến nghị là “một hành động hấp tấp, thiếu suy xét và không hề có sự nhất trí trong nội bộ đảng”.

Chủ tịch DPJ Okada và Chủ tịch Đảng Duy tân Matsuno thảo luận về khả năng liên minh. Ảnh: Kyodo)


Cũng trong nỗ lực nhằm xốc lại sức mạnh cho phe đối lập, Đảng Cộng sản Nhật Bản lại đề nghị các đảng đối lập lớn tập hợp thành một “chính phủ liên minh dân tộc”. Mục tiêu của đảng này là giảm sự cạnh tranh giữa các đảng đối lập trong kỳ bầu cử Thượng viện vào mùa Hè tới, nâng tỷ lệ nghị sĩ đối lập trong cơ quan lập pháp nhằm ngăn cản một cách hiệu quả việc thực thi luật an ninh mới.

Tuy nhiên, đây là một triển vọng khá mơ hồ vì cái gọi là “trở ngại chính trị”. Mục tiêu lớn nhất của Đảng Cộng sản Nhật Bản là tiến đến việc xoá bỏ hoàn toàn Liên minh quân sự Mỹ - Nhật. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm trên chính trường Nhật Bản. Chính vì vậy, sau cuộc gặp với Chủ tịch Đảng Cộng sản Kazuo Shii, Chủ tịch DPJ Okada đã phải thừa nhận cơ hội liên minh là rất thấp.

Một khó khăn nữa mà phe đối lập đang vướng phải là tài chính. Báo cáo mới nhất của chính phủ cho biết đảng này hụt 3 tỷ yen thu nhập trong tài khoá 2014. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Nội vụ, trong năm 2014, đảng này đã nhận khoản trợ cấp công là 6,69 tỷ yen nhưng đã tiêu tới 9,69 tỷ yen, tức là bội chi 3 tỷ yen. Trong khi đó, LDP nhận được 15,78 tỷ yen và chi hết 14,07 tỷ yen.

Tác động tiêu cực của việc thông qua luật an ninh đối với LDP không quá lớn như phe đối lập mong đợi. Nó phản ánh thực tế cho đến thời điểm này, vẫn chưa có đảng đối lập nào đủ mạnh để thách thức quyền lực của LDP. Thủ tướng Abe có thể thở phào nhẹ nhõm trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến bầu cử Thượng viện.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật)
Xung quanh chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Nga Putin
Xung quanh chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Nga Putin

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một vài điều kiện đối với chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Putin tới đất nước "mặt trời mọc".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN