Theo báo chí Nga, sau khi tái đắc cử Thủ tướng lần thứ hai hồi tháng 12/2012, ông Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ triển khai học thuyết "Hòa bình tích cực" trong chính sách đối ngoại. Kể từ đó đến nay, học thuyết này vẫn chưa được định hình cụ thể, đặc biệt xung quanh việc thay đổi tính chất quân sự trong chính sách phòng vệ của đất nước Mặt trời mọc.
| Tại cuộc họp Ủy ban Ngân sách Quốc hội ở Tokyo ngày 4/2, Thủ tướng Shinzo Abe cực lực lên án hành động khủng bố hèn hạ và tàn bạo của IS. Ảnh: AFP /TTXVN |
Tuy nhiên, việc hai công dân Nhật Bản vừa bị các phần tử vũ trang thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hành quyết đã khiến ông Abe phải khẩn cấp xem xét lại các ý tưởng của mình, bất chấp mâu thuẫn giữa việc tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự với chủ trương hòa bình của Nhật Bản.
Ngay sau khi đoạn băng ghi lại cảnh các phần tử vũ trang IS chặt đầu hai công dân Nhật Bản được lan truyền trên mạng Internet, Thủ tướng Abe đã tuyên bố tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Quốc hội rằng ông muốn cho phép các lực lượng phòng vệ Nhật Bản được quyền sơ tán công dân Nhật khỏi các khu vực xung đột ở bên ngoài lãnh thổ.
Trước đó, ông Abe cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc giao cho lực lượng phòng vệ trọng trách bảo vệ tính mạng của công dân Nhật ở nước ngoài và sửa đổi các rào cản luật pháp hiện đang ngăn cấm lực lượng phòng vệ Nhật Bản thực hiện các chiến dịch tương tự ở bên ngoài lãnh thổ.
Dự kiến vào mùa thu tới, ông Abe sẽ trình Quốc hội nước này các dự luật mới liên quan đến lĩnh vực an ninh. Một trong số đó có thể cho phép lực lượng phòng vệ được triển khai quân để giải cứu công dân khỏi những tình huống khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng vũ trang Nhật Bản được phép hành động ở nước ngoài nếu được quốc gia liên quan chấp thuận.
Tại đất nước Mặt trời mọc đang diễn ra cuộc bàn tán sôi nổi về khả năng thành lập một đơn vị đặc nhiệm tương tự lực lượng phản ứng nhanh "Hải cẩu" (SEAL) của Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng của ông Abe cũng vấp phải không ít sự chỉ trích từ những người theo trường phái hòa bình rằng việc đưa lực lượng phòng vệ ra nước ngoài để giải cứu con tin có thể làm gia tăng khả năng Nhật Bản bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh.
Các đề xuất của ông Abe còn liên quan đến việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, cho phép nước này được tham gia các hiệp ước phòng thủ tập thể hoặc trợ giúp đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Đáng chú ý, học thuyết mới của ông Abe không xem xét phạm vi giới hạn địa lý của hoạt động phòng vệ, nghĩa là Nhật Bản có thể cử quân đội đến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Sau khi hai công dân Nhật Bản bị IS sát hại, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã quyết định mở rộng quyền hạn của chính phủ trong việc thu thập và phân tích thông tin ở bên ngoài lãnh thổ. Một nhóm chuyên gia đặc biệt của Nhật đang xem xét khả năng thành lập một đơn vị tình báo độc lập theo mô hình Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hoặc Cơ quan Mật vụ Anh (MI-6). Cấu trúc đặc biệt này sẽ tiến hành tham vấn thông tin với các cơ quan chuyên môn của Mỹ và Anh để đưa ra khuyến nghị về các vấn đề hệ trọng đối với an ninh quốc gia.
Người dân Nhật Bản tham gia cuộc tuần hành trong im lặng tại thủ đô Tokyo, bày tỏ sự tiếc thương đối với nạn nhân Kenji Goto. Ảnh: AFP/TTXVN |
Được biết, hiện Nhật Bản không có cơ quan tình báo do công luận nước này không ủng hộ việc thành lập một cơ cấu như vậy. Mặc dù cuối năm 2013 nước này đã thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, song chức năng chủ yếu chỉ là phân tích thông tin do các cơ quan khác của chính phủ như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cảnh sát thu thập được và đưa ra khuyến nghị để thực thi chính sách đối ngoại phù hợp. Vì vậy, khi xảy ra vụ bắt giữ con tin, chính phủ nước này phải đề nghị chính phủ Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ thông tin.
Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa một số quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc, mặc dù không liên quan mật thiết đến vấn đề chủ quyền của Nhật Bản, song lại có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của hoạt động xuất nhập khẩu bằng đường hàng hải của Nhật Bản.
Ngày 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố rằng an ninh ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách vô lý gần như toàn bộ, có ảnh hưởng đến các lợi ích quốc gia của Nhật Bản và buộc nước này phải suy nghĩ về sự cần thiết của việc gia tăng các hoạt động giám sát bằng máy bay do thám quân sự.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Chỉ huy trưởng Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas khẳng định rằng sự hiện diện của máy bay Nhật Bản sẽ giúp giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động quân sự đang ngày một gia tăng của Trung Quốc, nhất là khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều không có khả năng giám sát các hoạt động đó của Bắc Kinh.
Được biết, hiện nay các máy bay do thám của Nhật Bản mới chỉ hoạt động ở Biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản có tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc, nên việc Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động sang Biển Đông chắc chắn sẽ gây ra phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Mỹ không giấu giếm sự ủng hộ đối với các kế hoạch của Thủ tướng Abe tăng cường vai trò quân sự của Nhật ở châu Á. Đồng thời, Mỹ và Nhật Bản cũng đang tích cực đàm phán về việc đổi mới các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh, theo hướng gia tăng vai trò của Nhật trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Trong trường hợp các đề xuất của ông Abe được Nghị viện nước này thông qua, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ được trao quyền cùng với Mỹ chống lại ảnh hưởng quân sự đang gia tăng của Trung Quốc ở cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông.
TTK