Nhiệt huyết cho một mẫu hình châu Âu

Thách thức rất to lớn, song "châu Âu ngày nay hấp dẫn hơn là chính chúng ta nghĩ", khẳng định của Chủ tịch đắc cử Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen trong "Thông điệp châu Âu" đọc tối 8/11 tại Viện Konrad Adenauer Stiftung tại thủ đô Berlin của Đức, phần nào thể hiện nhiệt huyết của người phụ nữ sẽ "cầm lái" cơ quan hành pháp Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn biến động khó lường sắp tới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN

Chọn ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình là xây dựng một chính sách khí hậu đầy tham vọng và xử lý vấn đề người di cư một cách bền vững, thông điệp của bà Ursula Von der Leyen  khá rõ ràng: EU, với 500 triệu dân và chiếm tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu thế giới, mà còn đóng vai trò là "người tạo ra xu hướng" toàn cầu, là "người tiên phong". Chủ tịch đắc cử EC Ursula Von der Leyen đã tuyên bố ủng hộ một châu Âu với các giá trị cốt lõi vốn có và trở thành một hình mẫu quốc tế cho tương lai.

Bà Ursula Von der Leyen được bầu là người đứng đầu EC trong bối cảnh EU đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Chưa tính tới tác động của tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, EU và các nước thành viên cũng liên tục hứng chịu "cơn gió ngược" từ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" cùng xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hay sự kiện nước Anh rút khỏi EU (gọi là Brexit), sự bất ổn ở những nước láng giềng, cùng chương trình bảo vệ khí hậu và đối phó với vấn đề người di cư… Tất cả những vấn đề này tạo thành nguy cơ tiềm ẩn thách thức sự thống nhất và tính bền vững của EU.

Dù vậy, bà Von der Leyen cho rằng cộng đồng châu Âu dành cho công dân của mình "một người bảo đảm hòa bình, nhân quyền, pháp quyền" và người bảo vệ "sự khoan dung, công bằng, đoàn kết và bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới". Trong "Thông điệp châu Âu", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói rằng xã hội mở của EU sẽ mang đến sự ổn định và nền kinh tế thị trường xã hội, ở đó công dân nhận được sự hỗ trợ với những trường học tốt dành cho con cái họ. Những người đóng góp cho xã hội không chỉ đơn thuần có thể kiếm tiền mà họ còn hưởng cơ hội được đào tạo. Và hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU hiện đang là một trong những hình mẫu tốt nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh lòng tin vào những giá trị của EU đang dần bị xói mòn, có thể thấy bà Ursula Von der Leyen đang mô tả hình ảnh "một EU lý tưởng", như cách để "gieo lại mầm hy vọng" về vai trò và vị thế của EU. Bà cũng không quên nhắc rằng "người châu Âu tự hào đã đặt ra các quy định cơ bản về quyền bảo vệ dữ liệu được xem như là tiêu chuẩn cho người khác" và "Trung Quốc cũng đã lấy ví dụ về EU trong chứng nhận kinh doanh khí thải CO2 làm mô hình".

Đoàn kết cũng là chủ đề được Chủ tịch đắc cử EC Von der Leyen lưu tâm, nhất là khi EU trong vài năm trở lại đây đã chứng kiến tình trạng chia rẽ và bất đồng trong khá nhiều vấn đề chủ chốt. Bà bày tỏ tự hào khi đề cập đến sự đoàn kết của EU trước vấn đề Brexit, bởi «sự ra đi đáng tiếc của một quốc gia thành viên đã không trở thành mốc khởi đầu cho quá trình phân rã của khối». Nhắc lại thực tế cho thấy rằng trong các cuộc đàm phán về Brexit, 27 quốc gia EU đã luôn đứng cùng nhau, bà Von der Leyen tuyên bố "cú sốc" Brexit khiến cho phần còn lại của EU trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Đối với bà Von der Leyen, điều này cho thấy EU có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ khủng hoảng.

Theo quan điểm của Chủ tịch EC tương lai, châu Âu cần hành động mạnh mẽ hơn trong nỗ lực thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế. Bà tuyên bố "sức mạnh mềm ngày hôm nay không còn là điều kiện đủ nếu EU muốn khẳng định mình trên thế giới". Bà cũng khẳng định châu Âu cũng phải học “ngôn ngữ quyền lực". Một mặt, điều đó có nghĩa là xây dựng sức mạnh của chính mình, vấn đề mà một thời gian dài trong quá khứ EU đã từng dựa dẫm vào người khác – đơn cử là trong chính sách an ninh. Mặt khác, điều này có nghĩa là việc huy động các nguồn lực sẵn có theo cách tập trung và có hiệu quả hơn, ví dụ như trong vấn đề quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong khi ủng hộ tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vai trò là nền tảng của phòng thủ tập thể của phương Tây, bà nói rằng EU nên đầu tư vào năng lực phòng thủ chung để bổ sung cho các liên minh của chính mình. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, từ khi được đắc cử Chủ tịch EC, đã nhiều lần tuyên bố rằng EU sẽ phải "trở nên quyết đoán hơn" đối với Mỹ.

Tuy nhiên, bà cho rằng khối cần có những tính toán để có thể duy trì các lợi ích chiến lược của châu Âu trong quá trình mở rộng. Theo bà, EU nên sẵn sàng mở rộng sang các quốc gia Tây Balkan, đồng thời cam kết sẽ dồn toàn bộ sức lực để phát triển các dự án chung khiến các quốc gia trong khu vực này ngày càng gắn kết hơn với EU thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Lợi ích chiến lược mà bà Von der Leyen nhắc đến và đánh giá là "cực kỳ quan trọng, xuất phát từ việc khu vực Tây Balkan liên quan mật thiết đến vấn đề di cư. Nhiều người tị nạn và di cư đã vào EU trong những năm qua thông qua ngả Tây Balkans.

Chính sách di cư cũng cần một phản ứng chung của châu Âu, và mục tiêu vươn tới là EU phải trở thành một hình mẫu trong thế giới ngày nay nhằm đảm bảo vấn đề người di cư có thể được quản lý một cách bền vững, với cách tiếp cận nhân văn, nhưng cũng phải đạt được hiệu quả. Cùng với cam kết sẽ cải cách hệ thống chính sách của EU về người tị nạn, Chủ tịch đắc cử EC đặc biệt kỳ vọng vào các giải pháp bền vững, hướng về "quyền tị nạn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất", trong khi « bảo toàn được quyền tự do đi lại, tìm kiếm và hành động xuyên biên giới » là vấn đề quan trọng bậc nhất. Đây được xem như lời biện hộ mạnh mẽ cho châu Âu với tư cách một lục địa mở.

Cũng trong "Thông điệp châu Âu", bà Von Der Leyen tuyên bố sẽ "trình luật bảo vệ khí hậu đầu tiên của châu Âu" và "chuyển đổi một phần Ngân hàng Đầu tư châu Âu thành Ngân hàng khí hậu". Đồng thời, bà cho rằng bảo vệ khí hậu phải hòa hợp với chính sách kinh tế và công nghiệp nhằm hướng tới tương lai và cần được cân chỉnh thường xuyên. Mục tiêu là đảm bảo biến châu Âu thành lục địa trung lập về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào năm 2050.

Có thể thấy hàng loạt thách thức cùng sự không chắc chắn đang đè nặng lên tương lai EU. Nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ ủy viên EC nhiệm kỳ tới, nhất là cho người phụ nữ quyền lực đứng đầu tổ chức này, với tham vọng xây dựng một hình mẫu châu Âu mới, là con đường  dài và đầy khó khăn. Những trắc trở mà Chủ tịch đắc cử EC Von der Leyen đang phải đối mặt trong nỗ lực thiết lập đội ngũ 26 ủy viên EC, chính là thử thách lớn đầu tiên đối với bà trên cương vị mới.

Kim Chung (Phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu)
Chủ tịch ECB kêu gọi thành lập ngân sách chung của Eurozone
Chủ tịch ECB kêu gọi thành lập ngân sách chung của Eurozone

Ngày 30/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi hối thúc các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thành lập ngân sách chung. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN