Saudi Arabia đang bán nhiều dầu hơn cho châu Âu, trong khi Nga đang chiếm thị phần châu Á của Vương quốc này. Sự đảo chiều hoạt động thương mại năng lượng dầu mỏ trên có khả năng sẽ được tăng tốc sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với việc bán dầu thô của Nga.
Theo dữ liệu của công ty phân tích Vortexa, dầu thô của Saudi Arabia xuất khẩu sang châu Âu đạt trung bình 798.000 thùng/ngày từ tháng 10 đến tháng 11/2022, tăng 17% so với mức 663.000 thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, thời điểm trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Như vậy, sự gia tăng xuất khẩu dầu của Saudi Arabia diễn ra khi châu Âu tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp lịch sử, đạt 309.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến ngày 2/12 - giảm so với khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trước khi cuộc xung đột diễn ra.
Jim Krane, một chuyên gia năng lượng và là thành viên tại Viện Baker của Đại học Rice, cho rằng châu Âu đang gấp rút loại bỏ nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt và nêu rõ: “Các nhà máy lọc dầu ở châu Âu cần tìm kiếm nguồn cung cấp mới, nên Saudi Arabia là một điểm đến hấp dẫn".
Jay Maroo, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Vortexa, đồng quan điểm: “Dầu thô của Saudi Arabia đang hướng đến châu Âu nhiều hơn. Đó là hệ quả tự nhiên của việc châu Âu nhập ít dầu của Nga hơn. Saudi Arabia là một sự thay thế hợp lý do chất lượng, thành phần tương tự và khoảng cách gần”.
Việc điều chỉnh lại thương mại dầu mỏ toàn cầu đã tiến thêm một bước vào đầu tuần này, sau khi EU và G7 áp giá trần đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển (bắt đầu có hiệu lực từ hôm 5/12).
Giới hạn giá trên được thiết kế để cho phép dòng dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường nhưng hạn chế khả năng thu lợi nhuận từ việc bán dầu của Moskva. Các chủ hàng sẽ chỉ có thể tiếp cận bảo hiểm và các dịch vụ hàng hải khác nếu dầu họ vận chuyển có giá bằng hoặc thấp hơn giá trần. Phương Tây tin rằng họ có thể áp trần giá đối với các khách hàng Nga ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ vì hầu hết các công ty bảo hiểm đều ở EU và các nước G7 khác.
Trong khi châu Âu đang tăng cường độc lập với Nga, nhà cung cấp năng lượng truyền thống của mình, những người mua khác lại đẩy mạnh nhập dầu thô của Nga với giá chiết khấu và cắt giảm mua hàng từ Trung Đông.
Vào tháng 10, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Ấn Độ. Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai của dầu mỏ Saudi Arabia sau Trung Quốc, nhưng thị phần của nước này đã bị thu hẹp.
Saudi Arabia đã xuất khẩu 708.000 thùng dầu thô/ngày sang Ấn Độ từ ngày 11/10 đến ngày 4/12 - trước thời điểm mức giá trần của phương Tây có hiệu lực - giảm 27% so với khoảng thời gian gần 60 ngày trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào 24/2, khi xuất khẩu đạt mức 969.000 thùng/ngày, theo dữ liệu của Tankertrackers.com.
Các nhà phân tích cho biết châu Âu đã giảm nhập khẩu dầu của Nga và lệnh cấm mới có thể khiến Nga tăng cường bán dầu cho châu Á. “Nhiệm vụ lớn của Nga bây giờ là chuyển hướng dầu của mình sang Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ", Ben Cahill, thành viên cấp cao trong chương trình an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Về phần mình, chuyên gia Krane cho rằng sự đảo chiều thị trường châu Âu và châu Á giữa Nga và Saudi Arabia có thể khiến Vương quốc này lo lắng vì châu Âu là thị trường "đang gấp rút loại bỏ nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt". “Saudi Arabia không muốn mất thị phần tại các thị trường tăng trưởng lớn ở châu Á và đổi lấy sự trì trệ từ các thị trường châu Âu đang suy giảm", chuyên gia trên lưu ý.
Đầu tuần này, Saudi Arabia đã cắt giảm giá bán dầu tháng 1/2023 cho châu Á, một dấu hiệu lo ngại về nhu cầu yếu trên thị trường, nhưng cũng có khả năng gia tăng cạnh tranh với Nga. Để thu hút người mua khi đối mặt với mức giá trần của phương Tây, một số nhà phân tích dự báo Nga sẽ phải giảm giá hơn nữa. Cho đến nay, Saudi Arabia vẫn giữ im lặng về việc Nga hạ giá dầu, nhưng nếu xu hướng này ở các thị trường như Ấn Độ tiếp tục, nó có thể dẫn đến xung đột tiềm tàng giữa Riyadh và Moskva.
Chuyên gia Cahill nêu quan điểm: “Saudi Arabia và Nga đang cạnh tranh để giành giật thị phần hữu hạn ở châu Á. Saudi Arabia sẽ không hài lòng về việc mất thị phần vào tay Nga”.
Riyadh đã bị chỉ trích vì ủng hộ việc cắt giảm sản lượng dầu hai triệu thùng/ngày vào tháng 10 mà chính quyền Tổng thống Biden cho là "OPEC+ liên kết với Nga". Đáp lại, Saudi Arabia khẳng định động thái này là cần thiết để hỗ trợ giá trước nhu cầu yếu.
Nhưng giá dầu Brent đứng ở mức 93,37 USD/thùng khi OPEC+ nhóm họp vào tháng 10, đã giảm khoảng 15% trong hai tháng qua. Giá dầu Bent hôm 6/12 ở mức 79,44 USD/thùng.
Việc áp trần giá từ phương Tây làm phức tạp thêm triển vọng của thị trường dầu mỏ trong tương lai. Nga đã đe dọa sẽ không bán cho các nước tuân theo biện pháp này. Trong khi đó, những vấn đề trên thị trường dầu đã xuất hiện, với các báo cáo về tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu xuất hiện ở eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.