Biên giới Thái Lan – Myanmar có chiều dài hơn 2.400 km, phần lớn là rừng rậm dày đặc. Myanmar đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 không kiểm soát. Trong khi đó, Thái Lan cho đến nay được coi là một trong những quốc gia có chiến lược chống dịch COVID-19 thành công trên thế giới.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, ít nhất 19 ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đều liên quan đến người lao động nhập cư trái phép giữa hai quốc gia. Giới chức y tế Thái Lan đang chạy đua để truy vết hàng trăm người có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này này làm nổi bật cách một số quốc gia Đông Nam Á chiến đấu để ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, khu vực biên giới Myanmar và Thái Lan - ngăn cách một quốc gia đã kiểm soát được virus với một quốc gia vẫn đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát mạnh mẽ - đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng.
“Biên giới rất dài”, Đại tá Chatri Sanguantham, người chỉ huy lực lượng binh sĩ tuần tra khu vực miền núi phía bắc Thái Lan, gần thị trấn Tachileik, Myanmar, cho biết. “Họ sẽ làm bất cứ điều gì, thực hiện bất kỳ biện pháp nào, để đạt được những gì họ muốn, kể cả việc nhập cảnh trái phép vào đất nước này,” ông nói về những người lao động nhập cư từ Myanmar.
So với các quốc gia khác, tổng số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan tính đến ngày 10/12 là trên 4.100 ca nhiễm, con số này được cho là khá thấp trong khu vực. Thái Lan cho biết họ đã thắt chặt an ninh ở các khu vực biên giới của mình, tăng cường tuần tra quân sự và rào dây thép gai tại các điểm vượt biên trái phép phổ biến, để ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời gian gần đây.
Cảnh sát đã bắt giữ những kẻ tình nghi là buôn lậu người, những người được trả ít nhất 15 USD để giúp người di cư vượt biên trái phép.
Những người lao động không có giấy tờ, thường phải lao động trong điều kiện đông đúc, đang được chính quyền đặc biệt quan tâm. Tình trạng pháp lý không rõ ràng cũng khiến họ không dám thừa nhận mắc bệnh, làm tăng nguy cơ lây lan virus mà không được phát hiện.
“Vì đây là những người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ trốn tránh. Nếu mắc bệnh, họ sẽ không bao giờ đến bệnh viện để xét nghiệm", ông Suthasinee Kaewleklai, điều phối viên của Mạng lưới Quyền của Người lao động Nhập cư ở Thái Lan cho biết.
Những nguy cơ của việc phớt lờ lao động nước ngoài, ngay cả những người đã đăng ký với chính phủ, cũng đã được minh chứng tại Singapore, nơi virus lây lan nhanh chóng trong các khu ký túc xá đông đúc dành cho người nhập cư.
Các nhóm bảo vệ quyền lợi cho biết trong khi việc truy vết kỹ lưỡng đã giúp kìm hãm sự bùng phát ở các cộng đồng dân cư khác ở Singapore, việc lao động nhập cư không được giám sát chặt chẽ, khiến họ dễ mắc COVID-19 hơn.
Tại Malaysia, hàng nghìn công nhân nước ngoài đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Top Glove, nhà sản xuất găng tay dùng một lần lớn nhất thế giới. Các nhà chức trách Malaysia hiện đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại công ty này vì công nhân của họ phải sống trong điều kiện chật chội, dễ lây lan COVID-19.
Việc cảnh giác phòng dịch cũng đã được tăng cường ở thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan, chỉ cách thị trấn Myawaddy của Myanmar một con sông. Tại điểm hẹp nhất của con sông này, trẻ em có thể ném bóng qua lại giữa hai quốc gia. Vào mùa khô, những người di cư cũng dễ dàng lội qua dòng sông và vào mùa mưa, họ đi thuyền.
Trước khi đại dịch bùng phát, mỗi năm có hàng trăm nghìn người qua sông đến Thái Lan làm việc, học tập và vui chơi. Trong số khoảng 5 triệu người di cư đến tìm việc làm, chỉ có khoảng một nửa là người lao động hợp pháp.
Thái Lan đã bắt đầu thắt chặt biên giới Mae Sot vào mùa xuân, tạm dừng giao thông qua cầu Hữu Nghị đến Myawaddy. Các biện pháp hạn chế đã nới lỏng một chút trong mùa hè này, và sau đó lại được thắt chặt trở lại vào tháng 8 khi số ca mắc COVID-19 ở Myanmar tăng mạnh.
Tuy nhiên, việc vượt biên trái phép vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những người trốn lệnh cách ly bắt buộc trong 2 tuần ở Thái Lan. Người Thái vẫn sang Myanmar - nơi các sòng bạc và câu lạc bộ được quản lý lỏng lẻo - để vui chơi trong vài giờ. Những con thuyền này thường tìm cách né tránh các đồn biên phòng, ngang nhiên vận chuyển hàng hóa qua lại.
Bất chấp các hoạt động di chuyển trái phép này, Thái Lan vẫn không ghi nhận bất cứ ca nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 5. Theo giới chức y tế, các bệnh viện ở nước này chỉ đang điều trị cho khoảng 180 ca mắc COVID-19, hầu hết họ đều là người trở về từ nước ngoài và có kết quả dương tính trong quá trình cách ly bắt buộc.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia đã ghi nhận nhiều người đến từ Thái Lan có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo các nhà chức trách Myanmar, có ít nhất 70 lao động nhập cư trở về từ Thái Lan đã có kết quả dương tính ở Myawaddy.
Trong những ngày gần đây, 17 người vượt biên trái phép từ Myanmar sang Thái Lan đã mắc COVID-19. Họ đều là người Thái và có liên hệ với một khu phức hợp giải trí khách sạn ở Tachileik, hầu hết đều là phụ nữ. Họ đã vượt biên vào cuối tháng 11 và đi đến ít nhất 5 địa điểm trên khắp Thái Lan. Giới chức y tế kể từ đó đã đóng cửa các trường học, truy vết và khử trùng sân bay.
Các nhóm hoạt động nói rằng họ biết nhiều trường hợp công nhân trở về Myanmar từ Thái Lan mắc COVID-19, dẫn đến lo ngại rằng virus có thể đang âm thầm lây lan trong các nhà máy và công trường ở Thái Lan, mặc dù thống kê ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn thấp.
Bác sĩ Sopon Iamsirithaworn, người phụ trách bộ phận về các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Thái Lan, nói rằng quốc gia này có "tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng rất thấp".
Ở Mae Sot, người Thái đã bắt đầu tổ chức theo dõi khu phố và lập các chốt chặn vào ban đêm để ngăn người ngoài vào. Nhưng một thị trấn biên giới nằm ngay bên kia sông, đối diện một thị trấn ở Myanmar, đã có ít nhất 1.200 người mắc COVID-19. Các nhà chức trách cho rằng việc ngăn chặn dịch bệnh là bất khả thi.
“Khu vực này phụ thuộc vào thương mại, vào người di cư,” Đại tá Krit Kityathiwat, phó chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 4 tuần tra biên giới khu vực Mae Sot cho biết. “Chúng tôi không muốn được biết đến là nơi làm bùng phát dịch COVID-19 vào Thái Lan.”