Ngoại binh IS lấy cớ đau lưng, đau đầu để khỏi phải chiến đấu

Các hồ sơ mà lực lượng Iraq tìm thấy trong một căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho thấy nhiều tay súng nước ngoài trong hàng ngũ IS có dấu hiệu nổi loạn bằng cách cáo ốm.

Cáo bệnh hàng loạt

Hồ sơ được tìm thấy trong một căn nhà tại al-Andalus gần thành phố Mosul, nơi được dùng làm căn cứ hành chính của tiểu đoàn Tariq Bin Ziyad thuộc IS hồi tháng trước. Các tay súng IS đã chuyển hồ sơ, máy tính ra khỏi căn cứ hành chính sau đó đốt căn cứ sau khi lực lượng Iraq tái chiếm khu vực. Tuy nhiên, số hồ sơ về các tay súng nước ngoài nói trên không bị cháy nhờ được cất trong một ngăn kéo bàn.

Một hồ sơ của một tay súng nước ngoài thuộc IS.

Theo hồ sơ, có 14 tay súng IS thuộc tiểu đoàn này bị liệt vào dạng “có vấn đề”. Một tay súng người Bỉ trình giấy xác nhận sức khỏe nói hắn bị đau lưng, đau gót chân và sẽ không tham gia chiến trận. Một tay súng từ Pháp nói hắn muốn rời Iraq để tấn công liều chết ở quê nhà. Hai tay súng ở Kosovo cũng từ chối tham gia chiến trận và xin tới Syria, trong đó một tên cho biết hắn bị đau đầu. Vài người đề nghị được chuyển tới Syria. Số khác tuyên bố không chiến đấu mà không có lý do cụ thể.

Trong một căn cứ của IS ở khu vực Dhubat tại Mosul, lực lượng Iraq cũng tìm thấy một xấp hộ chiếu gồm 16 hộ chiếu Nga và 4 hộ chiếu Pháp. Ngoài ra còn có 20 hộ chiếu Iraq chưa điền thông tin lấy từ cơ quan cấp hộ chiếu ở Mosul. Điều này cho thấy các tay súng đang làm giả hộ chiếu để rời Iraq.

Tại thời điểm “hưng thịnh”, IS thu hút hàng nghìn tân binh mỗi tháng và kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq. Các tay súng nước ngoài tràn vào Iraq từ hàng chục quốc gia. Chúng là những tay súng liều lĩnh nhất. Tuy nhiên, IS liên tục mất vùng đất kiểm soát và sức hấp dẫn với những kẻ cực đoan.

IS hiện bị bao vây ở nửa phía tây của Mosul, một trong những thành phố lớn nhất mà IS kiểm soát và là trung tâm của “vương quốc” tự xưng. Sự thất bại của IS trên nhiều mặt trận đã khiến nhiều tay súng nước ngoài vỡ mộng và muốn tìm đường về nhà.

Một ghi chú về tay súng 24 tuổi người Pháp gốc Algeria cho biết hắn không muốn chiến đấu và có “ước nguyện tử vì đạo ở Pháp”, hắn báo ốm nhưng cũng không có giấy tờ y tế. Tay súng này là một trong năm tay súng là công dân Pháp hoặc có nguồn gốc Pháp.

Các hồ sơ thu được tại hiện trường được dánh dấu năm 2015 nhưng có cả thông tin kéo dài tới năm 2016, ví dụ như ngày tháng gia nhập IS của các tay súng nước ngoài. Ngoài tên tuổi, quốc tịch, quê gốc, ngày sinh, nhóm máu và loại vũ khí biết sử dụng, hồ sơ còn liệt kê cả số vợ, con và nô lệ nữ mà từng tay súng có. Hồ sơ còn kèm cả ảnh. Mặc dù không thể xác minh những thông tin cá nhân này nhưng các quan chức Iraq cho rằng đó là hồ sơ thật.

Theo báo cáo của Trung tâm chống khủng bố quốc tế ở Hague, trong số hơn 4.000 tay súng nước ngoài đã rời các quốc gia Liên minh châu Âu tới Iraq và Syria, khoảng 1/3 đã trở lại, khoảng 14% đã chết, số còn lại vẫn ở nước ngoài hoặc không rõ tung tích. Nếu tính cả Syria, số tay súng nước ngoài gia nhập IS và các tổ chức cực đoan khác có thể lên tới 27.000 – 31.000 từ ít nhất 86 quốc gia.

Vỡ mộng ở Iraq


Các nhà phân tích từ lâu đã lưu ý sự khác biệt giữa các tay súng IS địa phương và nước ngoài. Tay súng nước ngoài chiến đấu dữ dội nhưng cũng đòi hỏi cao trong “lý tưởng”, dẫn tới xung đột với tay súng địa phương. Ông Aymenn al-tamimi, nhà phân tích về các nhóm phiến quân, cho biết: “Mọi người nói chúng là những thành viên có động lực nhất nhưng có nhiều tay súng nước ngoài tới và phát hiện ra trải nghiệm với IS không như những gì chúng từng hình dung. Chúng từng nghĩ đó sẽ là cuộc phiêu lưu vĩ đại”.

Một thành viên IS đe dọa các con tin.

Theo trung tá Muhanad al-Tamimi, những tay súng nước ngoài này là những kẻ giận dữ nhất mà lực lượng Iraq từng chống lại. Khi chúng từ chối chiến đấu, nghĩa là chúng đã nhận ra rằng tổ chức IS chỉ là Hồi giáo giả mạo và không phải là tổ chức chúng kỳ vọng.

Theo ông Edwin Bakker, thành viên nghiên cứu thuộc Trung tâm chống khủng bố quốc tế và là giáo sư về chống khủng bố thuộc Đại học Leiden, các tay súng từ các nước Tây Âu phần lớn đều nằm trong tầm ngắm của các cơ quan tình báo nhưng với những tay súng từ những nơi như Bosnia hay Kosovo thì ít thông tin. Nhờ biên giới mở ở châu Âu, các tay súng này có thể về nước và thực hiện các vụ tấn công ở châu lục này. Tuy nhiên, theo ông Bakker, cảnh báo về “làn sóng thần” các tay súng nước ngoài trở về châu Âu đã bị thổi phồng.

Cho dù đạt nhiều bước tiến nhanh ở phía đông Mosul nhưng các tướng lĩnh Iraq cho rằng họ sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến đẫm máu ở phía trước. Khu vực phía tây thành phố với 750.000 dân đang bị lực lượng Iraq bao vây. Các thành viên IS vẫn ở đó và không có lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu hoặc chết. Ông Bakker nói: “Vẫn còn có rất nhiều tên có động lực. Phần lớn tới đó để chiến đấu”.

Thùy Dương (tổng hợp)
Cựu tay súng IS kể về cuộc thiêu sống man rợ phi công Jordan
Cựu tay súng IS kể về cuộc thiêu sống man rợ phi công Jordan

Cựu tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mới đây kể về cuộc thiêu sống man rợ phi công Jordan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN