Nga không 'đứng ngoài' tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Trong không khí sôi động của hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi gần đây liên quan đến Triều Tiên, ngày 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thăm Bình Nhưỡng để thảo luận những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong-chol (phải) đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) tại sân bay Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 31/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thông qua kết quả các cuộc gặp và hội đàm tại Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Nga đã một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Moskva trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng thể hiện rằng Nga sẽ không "đứng ngoài" tiến trình này.

Trên thực tế, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Triều Tiên đã được dự tính từ đầu tháng 4, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như trước khi Mỹ và Triều Tiên xác nhận kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12/6 tới tại Singapore.

Trong chuyến thăm Nga từ 9 - 12/4 để thảo luận về vấn đề bán đảo Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử ngày 27/4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã mời ông Lavrov thăm Bình Nhưỡng để tiếp tục thảo luận việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như việc thúc đẩy các dự án ba bên với sự tham gia của Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nội dung thảo luận chính của ông Lavrov tại Bình Nhưỡng cũng tập trung vào hai chủ đề trên. Ngoại trưởng Nga khẳng định không thể giải quyết hoàn toàn và trọn vẹn vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chừng nào các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng chưa được dỡ bỏ. Đây là quan điểm rõ ràng ngược với chính sách lâu nay chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi về "gây áp lực tối đa" thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng thể hiện ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Triều Tiên về phương thức phi hạt nhân hóa từng bước và "có đi có lại", khi tuyên bố rằng không thể bảo đảm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách tiến hành liền một mạch, mà cần theo từng giai đoạn và ở mỗi giai đoạn cần có "hành động đáp lại" (với động thái phi hạt nhân hóa của Triều Tiên).

Đối với chủ đề hợp tác kinh tế, nhà ngoại giao Nga khẳng định Moskva quan tâm tới việc thực hiện các dự án kinh tế 3 bên với Triều Tiên và Hàn Quốc, như các dự án kết nối tuyến đường sắt, xây dựng đường ống dẫn khí đốt, hợp tác trong lĩnh vực điện năng... Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác kinh tế với Triều Tiên, đồng thời phải bảo đảm an ninh và chủ quyền cho Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga dường như nhằm tới nhiều mục tiêu. Một mặt, thể hiện rằng Nga luôn là người bạn, là đồng minh, là "nước láng giềng thân thiện" của Triều Tiên và sẵn sàng hỗ trợ, ủng hộ Bình Nhưỡng cả về chính trị lẫn kinh tế.

Mặt khác, Nga muốn tái khẳng định quan điểm của mình về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, như những gì nước này đã từng thể hiện nhiều năm qua khi tham gia các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Điều quan trọng hơn, đây giống như một thông điệp rằng Nga không muốn và cũng không thể "đứng ngoài" tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, Nga đang thể hiện vai trò của một cường quốc trong những vấn đề nóng của thế giới.

Nhìn từ góc độ chính trị - chiến lược, có ý kiến cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov nhằm tăng ảnh hưởng của Nga trên “sân chơi hạt nhân” Triều Tiên. Giáo sư James Brown, chuyên gia về quan hệ Nga - Triều tại Đại học Temple của Mỹ, nhận định: “Nga muốn can dự vào toàn bộ trò chơi ngoại giao đang diễn ra trong khu vực hiện nay… sau khi cảm thấy bị gạt ra ngoài lề tiến trình này”.

Không thể phủ nhận rằng Moskva muốn đảm bảo tiếng nói của mình được lắng nghe trong vấn đề hạt nhân Đông Bắc Á, và muốn tham gia định hình tương lai của Triều Tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, xét về các mối quan hệ cũng như lợi ích của các bên trên bán đảo Triều Tiên, sự vào cuộc của Nga hoàn toàn có thể lý giải.

Nga và Triều Tiên đã duy trì quan hệ ngoại giao từ lâu năm, với các dự án hợp tác và đầu tư khá mật thiết trong thời Chiến tranh Lạnh và đã ký hiệp định hữu nghị năm 2000. Quan hệ hai nước, như đánh giá của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, là "quan hệ hữu nghị truyền thống".

Quan hệ này có phần xấu đi liên quan vấn đề vũ khí hạt nhân, nhưng các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên kể từ đầu năm nay đã khiến Moskva muốn hàn gắn và mở rộng các quan hệ song phương truyền thống lâu đời với Bình Nhưỡng. Với tuyên bố Nga sẵn sàng ủng hộ các thỏa thuận Mỹ - Triều đáp ứng được lợi ích của các bên liên quan, bao gồm cả Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga đã thể hiện rõ rệt rằng Moskva đứng bên cạnh Triều Tiên trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Mặt khác, Nga vốn là một thành viên trên bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên (từ năm 2003-2008), cơ chế đã giúp đạt nhiều kết quả khả quan. Có thể kể ra đây Tuyên bố chung 6 điểm tại vòng đàm phán thứ 4 năm 2005, theo đó Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ khẳng định tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên và không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Sau đó là Thỏa thuận chung ngày 13/2, tại vòng đàm phán thứ 5 đầu năm 2007, Triều Tiên nhất trí bắt đầu các động thái ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong khi Mỹ thực hiện cam kết hỗ trợ kinh tế. Gần đây nhất, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ hồi năm ngoái với những màn đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên, Nga đã cùng với Trung Quốc đưa ra đề xuất “đóng băng kép” nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Rõ ràng Nga vẫn có một vai trò nhất định trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga lần này là cách Moskva thể hiện trách nhiệm của mình. Đó cũng là lý do Ngoại trưởng Nga tuyên bố rằng vấn đề hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "không thể giải quyết ngay trong một cuộc gặp" và cũng "không thể giải quyết bằng cơ chế song phương".

Nhìn từ góc độ Triều Tiên, đặt chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga trong bối cảnh các chuyến thăm con thoi của giới chức Triều Tiên đến Nga và Trung Quốc, gần đây, có thể thấy Bình Nhưỡng muốn tái khẳng định quan hệ vững chắc từ lịch sử với hai đồng minh quan trọng này, và cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Moskva và Bắc Kinh.

Chuyên gia James Brown nhận định: “Bình Nhưỡng muốn đảm bảo rằng cả hai đồng minh truyền thống này vẫn sát cánh bên mình”. Xét trên quan điểm này, việc Nga ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn và kêu gọi dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, cho thấy Triều Tiên phần nào đạt được mục tiêu. Với sự ủng hộ của Nga, vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa rõ ràng có sức nặng hơn.

Một số chuyên gia nhận định cùng với Trung Quốc, Nga dường như là “vị khách không mong muốn” đối với Mỹ trong "cuộc đấu" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jang-un. Các lợi ích đan xen giữa một bên là Mỹ với các đồng minh Hàn - Nhật, với bên kia là Triều Tiên với các đồng minh là Nga - Trung, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những mục tiêu của ông Trump trên bàn đàm phán tại Singapore sắp tới.

Tổng thống Mỹ muốn đạt kết quả ngay lập tức, một thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng, đổi lại viện trợ lương thực, đầu tư và các hỗ trợ khác. Nhưng phía Triều Tiên cũng muốn đạt các thành quả chiến lược và thương mại cho mình và đang nỗ lực đảm bảo rằng kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh tới sẽ phù hợp với mục đích đó.

Rõ ràng, những phát biểu tại Bình Nhưỡng của ông Lavrov có thể khiến Washington thất vọng khi Mỹ đang nỗ lực để thúc ép Triều Tiên bắt đầu tiến trình giải giáp hạt nhân trước cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6 tới. Chuyên gia Joel Wit thuộc trang mạng 38 độ Bắc (38 North) của Mỹ cho rằng Triều Tiên có quan hệ tốt với Trung Quốc, Nga, và  Hàn Quốc, vì vậy chính quyền Mỹ chưa thực sự hiểu tình hình nếu nghĩ rằng có thể "tái áp dụng chính sách gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng”.

Với chuyến công du của Ngoại trưởng Nga tới Bình Nhưỡng lần này, cũng như sau một loạt cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giới phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc, dù không góp mặt trên bàn tiệc Mỹ - Triều, hay Hàn - Triều - Mỹ sắp tới, nhưng chắc chắn Moskva và Bắc Kinh sẽ không vắng bóng trong một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
 
Bạch Dương (TTXVN)
Nhiều hoạt động tham vấn chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều
Nhiều hoạt động tham vấn chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 31/5 xác nhận đang diễn ra các cuộc đàm phán chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ, làm tăng khả năng sự kiện này diễn ra như dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN