Nga cung cấp cho Trung Đông thứ mà phương Tây không thể

Quan hệ đối tác kinh tế thực tế và mong muốn chung về quyền tự chủ chính trị tạo thành nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa Nga và một nhóm các cường quốc có ảnh hưởng ở Trung Đông. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong chuyến thăm Saudi Arabia năm 2024. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Saudi Arabia (riyadh.mid.ru/en)

Bình luận trên kênh RT (Nga) ngày 17/9, Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Giảng viên tại Đại học HSE (Moskva) cho rằng, Nga và Trung Đông đã xây dựng một quan hệ đối tác kinh tế và chính trị ngày càng mạnh mẽ, khác biệt rõ rệt với những gì phương Tây có thể cung cấp cho khu vực này. Mối quan hệ này phản ánh không chỉ về lợi ích kinh tế, mà còn cả việc chia sẻ một tầm nhìn chung về quyền tự chủ chính trị, trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng xa rời sự phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây.

Cách tiếp cận đa phương của Nga và các nước vùng Vịnh

Trong những năm gần đây, các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar, UAE và Oman đã thúc đẩy hợp tác với Nga, một phần do sự thất vọng với cách tiếp cận của phương Tây trong các vấn đề khu vực. Mặc dù có mối quan hệ lịch sử với Mỹ, các nước vùng Vịnh đã kiềm chế việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này cho thấy một cách tiếp cận thực dụng trong chính sách đối ngoại của họ, nơi mà lợi ích quốc gia và an ninh khu vực được ưu tiên hàng đầu.

Một bước quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ này là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tới Saudi Arabia vào tháng 9 năm 2024. Chuyến thăm không chỉ tập trung vào việc mở rộng quan hệ kinh tế mà còn nhấn mạnh sự hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Gaza. Trong bối cảnh các nước vùng Vịnh đang tìm cách đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh Trung Đông, họ nhìn nhận Nga là đối tác có thể giúp ổn định khu vực thông qua cách tiếp cận ngoại giao đa phương.

Ngoài ra, các quốc gia vùng Vịnh cũng khẳng định mong muốn của họ về vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi phương Tây vẫn tiếp tục thúc đẩy những giải pháp mà Nga coi là không thực tế, các quốc gia vùng Vịnh lại tỏ ra thận trọng hơn, kêu gọi một giải pháp chính trị bền vững, với sự cân bằng lợi ích của tất cả các bên.

Tầm quan trọng chiến lược của GCC

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm sáu quốc gia thành viên: Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, UAE, Kuwait và Oman, không chỉ là một tổ chức khu vực quan trọng mà còn là một đối tác kinh tế chiến lược trên thế giới. Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ chiếm khoảng 40% tổng trữ lượng toàn cầu và 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên, GCC giữ vai trò trọng yếu trong thị trường năng lượng thế giới. Điều này tạo ra một sức mạnh không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị đối với các quốc gia thành viên.

Không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các quốc gia vùng Vịnh cũng đang tiến hành đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Họ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính và du lịch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Việc mở rộng kinh tế này không chỉ mang lại sự ổn định cho các nước trong khu vực mà còn củng cố vị thế của GCC trên trường quốc tế.

Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của các quốc gia GCC trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang dịch chuyển khỏi trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt. Đối thoại chiến lược giữa Nga và GCC cung cấp một nền tảng để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng như an ninh, năng lượng và hợp tác kinh tế. Hợp tác này đã tạo ra những cơ hội lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Mối quan hệ kinh tế giữa Nga và các nước vùng Vịnh đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với UAE - đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 9 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt 10 tỷ USD vào năm 2024. Quan hệ thương mại với các nước khác như Saudi Arabia và Qatar cũng đang ngày càng được củng cố, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng.

Định hình trật tự thế giới mới

Việc UAE và Saudi Arabia chính thức gia nhập BRICS vào năm 2024 cho thấy các quốc gia vùng Vịnh đang chủ động tham gia vào trật tự thế giới đa cực mới. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của các nước này, khi họ tìm kiếm các liên minh đa phương mới ngoài phương Tây. BRICS, cùng với các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và OPEC+, cung cấp một nền tảng để các quốc gia vùng Vịnh tham gia tích cực vào các quá trình kinh tế và chính trị toàn cầu, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác như Nga và Trung Quốc.

Các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng nhận ra những hạn chế của trật tự thế giới đơn cực, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông. Họ đã chứng kiến sự can thiệp của phương Tây vào khu vực này và các hậu quả tiêu cực mà nó mang lại. Điều đó đã thúc đẩy các nước GCC đánh giá lại chiến lược chính sách đối ngoại của mình, chuyển hướng sang những liên minh mới để đảm bảo sự tự chủ và an ninh khu vực.

Tóm lại, quan hệ giữa Nga và các nước vùng Vịnh là một minh chứng rõ ràng cho việc các quốc gia này đang tìm kiếm những con đường mới trong chính sách đối ngoại của mình. Bất chấp mối quan hệ lịch sử với phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng thắt chặt hợp tác với Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, an ninh và kinh tế. Điều này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong chính sách quốc tế, khi các nước nhỏ và trung bình tìm cách định hình trật tự thế giới theo hướng đa cực, nơi lợi ích của họ được đảm bảo và quyền tự chủ được tôn trọng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Điều gì giúp Trung Á là bên hưởng lợi lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine?
Điều gì giúp Trung Á là bên hưởng lợi lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Bằng cách duy trì quan hệ cân bằng giữa Nga, phương Tây và Trung Quốc, Trung Á đã thoát khỏi những hậu quả của cuộc chiến và trở thành một nhân tố quan trọng trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN