NATO và Nga bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Tại Hội nghị gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên của khối này đã quyết định xây dựng một lực lượng đồn trú đa quốc gia ở một số nước Đông Âu, bao gồm hơn 4.000 binh sỹ phản ứng nhanh.

Ngoài ra, Na Uy cũng cho phép lực lượng Hải quân Lục chiến Mỹ đóng quân kể từ tháng 1/2017. Đây là lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quốc gia Bắc Âu này cho phép quân đội nước ngoài đóng quân tại lãnh thổ của mình. 

Tờ “Văn Hối” (Hong Kong - Trung Quốc) vừa có bài phân tích cho rằng, khu vực Trung Âu và Đông Âu luôn được coi là khu vực ảnh hưởng của Nga. Ngoài ra, Bắc Âu cũng là khu vực chiến lược quan trọng của nước này. Hành động của Mỹ và NATO vừa qua rõ ràng là nhằm vào Nga. Việc NATO vừa qua liên tục gây sức ép đối với Tây Ban Nha buộc nước này không cho phép hạm đội tàu sân bay của Nga cập cảng tiếp tế cho thấy Mỹ và NATO gấp rút phát động một chiến lược mới nhằm vào Nga. 

Vừa qua, trong một bài phát biểu, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh lực lượng phản ứng nhanh đa quốc gia do NATO xây dựng là một lực lượng xung kích mạnh mẽ, không nhằm kích động xung đột mà nhằm ngăn chặn xung đột. Ông cũng nhấn mạnh, điều này thể hiện năng lực của NATO sẵn sàng triển khai lực lượng hàng nghìn binh sỹ để hỗ trợ các đồng minh. Đây rõ ràng là thông điệp gửi tới nước Nga. Từ cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine cho đến cuộc nội chiến Syria ở Trung Đông, phương Tây - Mỹ và Nga đã bước vào cuộc đối đầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

Binh sĩ Mỹ chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận của NATO ở Litva và Estonia.

Trước tình hình này, các nước Trung và Đông Âu hết sức lo ngại vấn đề địa chính trị liên quan đến Nga. Nhằm trấn an các nước Trung và Đông Âu về cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước thuộc NATO do Mỹ đứng đầu bắt đầu gia tăng mối đe dọa nhằm vào Nga. Quan trọng hơn, hiện Mỹ vẫn chưa giành được thế thượng phong trước Nga trong ván cờ liên quan đến cuộc nội chiến Syria. Mỹ và NATO cũng cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn để gây sức ép lên Nga. 

Chỉ khi lực lượng NATO gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với Nga mới có thể chứng minh ý nghĩa về sự tồn tại của liên minh quân sự này. Là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO vốn không nhất thiết phải tồn tại sau khi Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw tan rã. Sự tồn tại của NATO đòi hỏi phải tìm một kẻ thù giả tưởng mới và đó chính là Nga. 

Từ việc NATO mở rộng về phía Đông cho đến việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở Đông Âu, Mỹ và NATO từng bước xâm chiếm không gian địa chiến lược của Nga. Cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine tưởng như khởi nguồn từ việc Nga sáp nhập Crimea, trên thực tế lại có nguyên nhân xuất phát từ việc NATO mở rộng về phía Đông đụng chạm đến khu vực chiến lược hạt nhân của Nga. Chúng ta cần biết rằng Ukraine và Nga đều là thành viên chính của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Khi Ukraine ngả về phương Tây, Nga cũng cảm thấy mối đe dọa thực sự đang cận kề đến từ phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga không cho rằng bản thân mình là kẻ đi xâm lược mà chỉ là người bảo vệ những lợi ích cốt lõi bất khả xâm phạm của mình. 

Chính vì vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng dân số Nga hiện nay chỉ trên 140 triệu người, trong khi NATO có khoảng 600 triệu người, do đó Nga không đủ khả năng để phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm vào NATO. Đối với đợt triển khai quân sự mới có ý đồ của NATO, theo Nga, đây là phạm vi khác mà NATO muốn vươn tới sau khi đã mở rộng về phía Đông. 

Tuy nhiên, với tính cách cứng rắn của Tổng thống Putin và cá tính của nước Nga - một dân tộc mang tính tranh đấu cao, nước này sẽ không khoan nhượng cho hành động từng bước lấn tới của NATO. Một mặt, Nga sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào dành cho phương Tây trong cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine. Mặt khác, trong vấn đề Trung Đông, Nga có thể sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad ở Syria. Nếu nổ ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Trung - Đông Âu và khu vực Trung Đông, sẽ khó đoán định ai là người thắng kẻ bại. 

Bài báo kết luận, Nga hiểu cặn kẽ về nội tình của NATO nên đương nhiên sẽ không coi nhẹ động thái mới của NATO. Chắc chắn, mối đe dọa của NATO sẽ không là gì đối với Nga, vì Nga hiểu rõ tâm lý của các nước châu Âu. Với Tổng thống Putin, hành động lặp đi lặp lại của NATO chỉ là trò chơi lấy bù nhìn để hù dọa nước Nga mà thôi.
TTK
Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân đối phó với đe dọa từ NATO
Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân đối phó với đe dọa từ NATO

Nga có thể hướng các loại vũ khí hạt nhân của mình vào bất kỳ chủ thể nào của NATO ở bất cứ nơi đâu. Đây là việc mà Nga có thể làm để đáp trả hành động gây hấn của liên minh quân sự này, cũng như những nỗ lực của NATO nhằm lôi kéo các thành viên mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN