Trong bối cảnh đó, LHQ, kết thúc năm đầu tiên dưới sự dẫn dắt của vị Tổng Thư ký mới Antonio Guterres, đã đạt được nhiều "bước tiến" đáng ghi nhận, song cũng không tránh khỏi những "bước lùi" trong quá trình hoạt động dựa trên 3 trụ cột và cũng là mục tiêu, nhiệm vụ bao trùm của LHQ gồm: duy trì hòa bình và an ninh, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc; thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ phát triển quốc tế; bảo đảm quyền con người.
Trước hết, phải nói đến những thành tựu đáng kể mà LHQ đạt được trong năm qua bất luận ngân sách ngày càng eo hẹp trong khi thế giới có quá nhiều “điểm nóng” cần sự hỗ trợ của tổ chức đa phương này. Nổi bật là việc đẩy mạnh tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững với một loạt chương trình phát triển được thông qua và thực hiện; ngăn chặn và giải quyết một số cuộc khủng hoảng và xung đột trên thế giới.
Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dưới sự dẫn dắt của LHQ, 2 năm sau khi 193 quốc gia thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, thế giới nhìn chung đã gặt hái được những kết quả rõ ràng cho kế hoạch hành động cụ thể gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu toàn cầu, từ giải quyết nạn nghèo đói tới thúc đẩy hòa bình và cải thiện y tế.
Trong năm 2017 đã có 44 nước thành viên trình bày báo cáo quốc gia tự nguyện hoặc các kế hoạch thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững. Một số quốc gia đạt được những thành tích nổi bật như: Costa Rica đã lồng ghép thành công năng lượng tái sinh vào mạng lưới điện quốc gia trong 113 ngày liên tục hay Ấn Độ đã khởi động nỗ lực xây dựng thành phố vệ sinh thông minh đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, những thành tích đáng khích lệ của chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 vẫn còn xa mới đạt được mục tiêu khi mà các cuộc xung đột, thiên tai, nghèo đói ngày càng nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong năm 2017, LHQ cũng tiếp tục phát huy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên xung đột và đã đạt được một số thành tích nhất định. Nổi bật nhất là LHQ đã và đang tích cực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Colombia sau khi chính phủ nước này và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt hơn 50 năm xung đột.
Tuy nhiên, tại nhiều “điểm nóng" khác như cuộc xung đột tại Syria, chương trình hạt nhân Iran, và đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vai trò của LHQ có vẻ mờ nhạt. Nỗ lực của LHQ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề kể trên thậm chí đôi khi phải chịu bước thụt lùi khi các ủy viên Hội đồng Bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực nhất LHQ, thường xuyên không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cản trở giải pháp của nhau.
Sự "bất lực" của LHQ thể hiện rõ nhất qua vấn đề Triều Tiên khi trong vòng một năm, HĐBA LHQ đã ra tổng cộng 3 nghị quyết liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những nghị quyết đó chưa giúp giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mà trái lại còn có vẻ khiến Bình Nhưỡng càng quyết tâm theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân.
Bên cạnh đó, LHQ cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong cả hai lĩnh vực là cơ chế vận hành và nguồn lực cho các hoạt động. Trước áp lực của chính quyền Mỹ, nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho ngân sách LHQ (chiếm khoảng 22%), ngân sách hoạt động của LHQ (hoàn toàn riêng biệt với ngân sách phục vụ cho việc gìn giữ hòa bình) đã bị cắt giảm gần 600 triệu USD cho tài khóa 2017-2018 (bắt đầu từ ngày 1/7/2017).
Chưa hết, mới trong tháng 12 này, có tin Mỹ đã đề xuất giảm ngân sách cho LHQ thêm 250 triệu USD, tương đương 5% ngân sách của tổ chức này. Hiện nhiều tổ chức của LHQ thường xuyên rơi vào tình trạng tài chính eo hẹp, không đủ để trang trải cho các hoạt động thiết yếu trong khi các cuộc xung đột dai dẳng khiến ngày càng nhiều người dân cần sự trợ giúp từ LHQ.
Đơn cử như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) liên tục thông báo thiếu kinh phí để hỗ trợ trẻ em tại Syria hay tại các khu vực xung đột ở Cộng hòa Trung Phi. Bên cạnh đó, việc Mỹ quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) từ năm 2019 đe dọa sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này.
Cũng trong năm 2017, LHQ đã nỗ lực khởi động tiến trình tự cải tổ chính mình, vốn trong tình trạng "giậm chân tại chỗ" bấy lâu. Đây là ưu tiên hành động của Tổng Thư ký Antonio Gutters ngay từ những ngày đầu ông đảm đương trọng trách mới, đồng thời là nội dung được nêu bật tại kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ diễn ra vào tháng 9 vừa qua.
Bên lề kỳ họp, tuyên bố chính trị 10 điểm do Mỹ soạn thảo ủng hộ các nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về cải cách tổ chức này đã nhận được chữ ký tán thành của khoảng 130/193 thành viên, trong đó có các nước lớn như Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil.
Tuy nhiên, việc Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực HĐBA, không tán thành đề xuất của Mỹ khiến cho tuyên bố chính trị này cũng chỉ là một quyết tâm trên giấy. Mặt khác, những đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm chi tiêu của Mỹ cho các chương trình của LHQ có nguy cơ cản trở các cuộc cải cách LHQ và gây ra lỗ hổng tài chính khó có thể san lấp.
Cuối cùng là thách thức lớn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. LHQ đã phải chứng kiến một "bước lùi" nghiêm trọng trong năm 2017 khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu do LHQ khởi xướng. Tuy nhiên, bất chấp sự rút lui của Mỹ, đại diện của gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 23) diễn ra tại thành phố Bonn của CHLĐ Đức tháng 11 vừa qua đã đi đến nhất trí giữ vững cam kết đầy tham vọng đạt được tại Pháp cách đây 2 năm về mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Tiến trình "Đối thoại Talanoa", có nghĩa là chia sẻ kinh nghiệm, sẽ được các nước cùng khởi động trong năm 2018 nhằm xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới mục tiêu tham vọng của Hiệp định Paris 2015. Việc soạn thảo bộ quy tắc chi tiết thực thi Hiệp định Paris 2015 cũng đã đạt được nhiều tiến triển tại COP 23. Dự kiến, bộ quy tắc này sẽ ra mắt vào cuối năm 2018, qua đó trở thành công cụ thông báo cũng như theo dõi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của mỗi quốc gia.
Có thể nói năm 2017 được xem là năm khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới của LHQ với việc tổ chức này có nhà lãnh đạo mới. Đây cũng là giai đoạn quan trọng trong việc thực thi 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.
“Vạn sự khởi đầu nan”, những thành tích mà LHQ đạt được trong năm 2017 tuy còn khiêm tốn, song cũng đã giúp LHQ duy trì được vị thế là tổ chức đa phương quan trọng nhất hành tinh trong bối cảnh thế giới đang rối ren và nhiều quốc gia có xu hướng hoài nghi hiệu quả hoạt động của các thiết chế đa phương.