Palestine tìm kiếm quy chế thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc

Ngày 13/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết sẽ làm việc với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về quy chế thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ sau quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Abbas đưa ra phát biểu trên tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông không nêu rõ các bước đi tiếp theo của Palestine trong nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết sẽ làm việc với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị OIC, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Mỹ không còn có thể đóng vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông nhấn mạnh cần phải thảo luận về nước sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc hòa đàm "kể từ bây giờ" và điều này cần được giải quyết tại LHQ.

Trước đó, OIC đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã chỉ trích quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, coi quyết định này "không có hiệu lực pháp lý" và là "một sự hủy hoại các nỗ lực hòa bình", đồng thời cho rằng bước đi trên chính là "thông báo" việc Washington đã từ bỏ vai trò bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại khắp các vùng lãnh thổ Palestine và các nước Arab cũng như sự chỉ trích gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Đa phần dư luận coi đây là một bước đi nguy hiểm, không chỉ đe dọa tiến trình hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab.

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

TTXVN/Báo Tin tức
OIC kêu gọi quốc tế công nhận Đông Jerusalem là thủ đô Palestine
OIC kêu gọi quốc tế công nhận Đông Jerusalem là thủ đô Palestine

Ngày 13/12, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo hơn 50 quốc gia thành viên đã ra Tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN