Mỹ, Trung "tiến thoái lưỡng nan" trong vấn đề Triều Tiên

Theo bình luận hôm 6/1 của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua đã khiến áp lực gia tăng nhanh chóng nhằm vào giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Washington.

Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" trong vấn đề Triều Tiên, buộc họ phải xem xét lại cách tiếp cận để có được một chiến lược lâu dài.

Cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại khi Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom hạt nhân hôm 6/1. Không chỉ làm rung chuyển miền Đông Bắc Triều Tiên, vụ thử hạt nhân đã gây chấn động cả Washington và Bắc Kinh. Câu hỏi muôn thủa một lần nữa lại thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền Mỹ: Làm sao có thể gây sức ép để Trung Quốc thuyết phục Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân? Và cũng như nhiều lần trước đây, Tổng thống Barack Obama khó có được câu trả lời hoàn hảo nếu không muốn thấy căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không hẳn đã dễ thở hơn sau vụ thử hạt nhân này. 

Cuộc mít tinh lớn ở Bình Nhưỡng hôm 5/1/2016, một ngày trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Họ sẽ phải giải một bài toán khó mà bất cứ kết quả nào cũng có nguy cơ xung đột về lợi ích với nhau. Làm thế nào để thuyết phục Triều Tiên rằng thử hạt nhân chỉ giúp các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc xích lại gần hơn với Mỹ? Thế nhưng, sức ép đến đâu là vừa đủ để tránh làm suy yếu Triều Tiên - vùng đệm chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc? Trong bối cảnh mối quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng không còn khăng khít như trước, thì việc tìm lời giải cho hai câu hỏi này chẳng khác gì "mò kim đáy biển".

Chuyên gia Paul Haenle - Giám đốc Trung tâm Thanh Hoa - Carnegie ở Bắc Kinh, cho rằng đây sẽ là một thử thách lớn đối với Trung Quốc. Rõ ràng, giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh phải quyết định xem họ được gì và mất gì nếu tiếp tục can dự với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thật khó có thể hình dung được một kịch bản mà trong đó, Trung Quốc quyết từ bỏ Triều Tiên, từ bỏ vùng đệm chiến lược trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích với Mỹ ở Đông Bắc Á. Can dự và gây sức ép với Triều Tiên trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quan trọng trong khu vực, đó chắc hẳn là một chiến lược lâu dài mà Trung Quốc đang hướng tới, dù hiện nay họ có lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Sau những "dư chấn", Nhà Trắng phải đối mặt với sự thực là Triều Tiên đã khôi phục các cuộc thử nghiệm hạt nhân, thể hiện tham vọng ngày càng lớn trong lĩnh vực này. Điều này chắc hẳn sẽ khiến giới hoạch định chính sách ở Washington phải đau đầu. Làm thế nào để có thể kiềm chế và ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên trong khi vẫn tranh thủ mối quan hệ với Trung Quốc? Một bài toán khó vào đúng thời điểm cần những cái đầu lạnh. Rõ ràng, sau vụ thử này, Mỹ sẽ phải thể hiện thái độ bằng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Hạ nghị sỹ Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng cần phải tăng cường sức ép để ngăn chặn nguy cơ từ Triều Tiên. "Chính sách của Nhà Trắng đối với Triều Tiên đã thất bại thảm hại, và chúng tôi yêu cầu cần phải có một cách tiếp cận mới", ông Ed Royce nói.

Mỹ từng theo đuổi chính sách mà họ gọi là "sự kiên nhẫn chiến lược". Trong khuôn khổ chính sách này, Bình Nhưỡng sẽ từng bước triệt thoái chương trình hạt nhân để đổi lấy cơ hội ngồi vào bàn đàm phán. Thật dễ hiểu khi giới chức Mỹ gạt đi những yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Triều Tiên. Họ cho rằng biện pháp cô lập về kinh tế không mang lại hiệu quả như mong đợi. Giờ đây, Mỹ nên đi theo hướng nào để vô hiệu hóa chương trình hạt nhân của Triều Tiên? Cả Washington và Bắc Kinh đang lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Vì vậy, họ nên hợp tác với nhau trên cơ sở chia sẻ lợi ích để ngăn chặn nguy cơ từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trước mắt, Trung Quốc và Mỹ có thể lên danh sách các ngân hàng, công ty có mối quan hệ với Triều Tiên, trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của nước này để áp đặt lệnh trừng phạt. Trong bất cứ nỗ lực nào, phản ứng của Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Trung Quốc bấy lâu nay vẫn cảnh cáo Mỹ và phương Tây rằng biện pháp cấm vận, trừng phạt chỉ phản tác dụng, thậm chí là khiêu khích Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể sẽ điều chỉnh chính sách của mình khi lợi ích bị đe dọa và sự hợp tác với Mỹ nổi lên như một lựa chọn thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

TTK
Hàn Quốc lại mở loa phóng thanh chống Triều Tiên
Hàn Quốc lại mở loa phóng thanh chống Triều Tiên

Chính phủ Hàn Quốc quyết định nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên bằng hệ thống loa phóng thanh đặt tại khu vực biên giới liên Triều bắt đầu từ trưa 8/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN