Mỹ - Trung: Đồng thuận và mâu thuẫn

Kết quả vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 5 ngày 10 - 11/7 tiếp tục được dư luận Mỹ và quốc tế bàn luận, mổ xẻ về những đồng thuận đã đạt được, những mâu thuẫn tiềm ẩn trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng như tác động của nó đối với quan hệ hai nước nói riêng, khu vực và quốc tế nói chung.


Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Capitol Hill) ở thủ đô Oasinhtơn.


Kết quả đầu tiên nhìn thấy từ cuộc đối thoại là sự coi trọng của cả hai bên. Quy mô hội nghị tại Oasinhtơn lần này khá hoành tráng. Đồng chủ trì là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng Phó thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.


Thông cáo chung kết thúc vòng đối thoại cho biết hai nước đã thảo luận tổng cộng 74 vấn đề về quan hệ tay đôi, khu vực và toàn cầu. Tiến bộ rõ nét đạt được trong cuộc đối thoại năm nay là việc hai nước nhất trí được một số bước đi cụ thể nhằm cắt giảm lượng khí thải có hại tới môi trường. An ninh mạng là một chủ đề nổi bật. Sự cáo buộc lần nhau về tình báo mạng và an ninh mạng trong cuộc đối thoại lần này và sẽ còn kéo dài.


Về quan hệ kinh tế, cuộc đối thoại năm nay đã đạt được bước tiến khi hai nước đồng ý khởi động lại cuộc thương thuyết về hiệp định đầu tư song phương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý thương thuyết về một hiệp định đầu tư nước ngoài bao gồm mọi khu vực trong nền kinh tế. Trung Quốc cũng đã có nhượng bộ trong lĩnh vực kế toán với việc đồng ý sẵn sàng cung cấp cho Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) hồ sơ kế toán của hàng chục công ty của Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước bùng nổ căng thẳng khi SEC cáo buộc hàng chục công ty của Trung Quốc có đăng ký tại sàn chứng khoán Mỹ về các hành vi gian lận gây thiệt hại cho Mỹ hàng tỷ USD.


Ngoài các mâu thuẫn chiến lược, chính sách tiền tệ của Trung Quốc và buôn bán là hai lĩnh vực hai nước chưa giải quyết được các bất đồng. Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ 16,2% trong thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 2/2013, nhưng đồng tiền này hiện vẫn còn được định giá thấp hơn ít nhất 30% so với USD. Thâm hụt buôn bán của Mỹ với Trung Quốc hiện lên tới xấp xỉ 300 tỷ USD/năm, trong cuộc đối thoại năm nay Mỹ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thả nổi tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường để tạo sân chơi bình đẳng cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Về vốn FDI, Trung Quốc tiếp tục hối thúc Mỹ từ bỏ việc dùng các lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn sự đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết Trung Quốc đang là nước có tốc độ đầu tư nhanh nhất với FDI của Trung Quốc tăng với tốc độ trung bình 71%/năm.


Các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, nhất là ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông cũng có trong chương trình nghị sự đối thoại Mỹ - Trung. Phát biểu khi tiếp hai trưởng đoàn Trung Quốc tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng vũ lực và sự hăm dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển. Phó Tổng thống Joe Biden thì cho rằng Mỹ và Trung Quốc có lợi ích với tự do hàng hải, nhưng điều này còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.


Về thực trạng và triển vọng quan hệ hai nước, phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Trong bài viết trên tờ "Washington Post" ngày 9/7, ông Dương Khiết Trì chỉ rõ mối quan hệ "Hợp tác cùng thắng" Mỹ - Trung với các dẫn chứng cụ thể: Cứ 24 phút có 1 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ; mỗi ngày trung bình có khoảng 10.000 người Trung Quốc và người Mỹ qua lại hai nước; Trung Quốc hiện có khoảng 194.000 sinh viên theo học tại Mỹ và Mỹ có 26.000 sinh viên theo học tại Trung Quốc...


Ông Kenneth Lieberthal, chuyên gia lâu năm về Trung Quốc thuộc Viện Brookings, cho rằng Trung Quốc và Mỹ nói nhiều tới việc xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới, nhưng chuyển chủ trương này thành hành động thực tế, hòa hợp được những bất đồng chiến lược và chính trị không phải là dễ. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ phức tạp, lẫn lộn giữa hợp tác và cạnh tranh, trong đó có người mô tả đây là mối quan hệ Chiến tranh lạnh kiểu mới nhưng lại có ý kiến cho rằng đây là mối quan hệ hợp tác G-2 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Patrict Cronin, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ có một không hai trong lịch sử thế giới, giữa hai siêu cường vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh của nhau.


Bài và ảnh: Thái Hùng(P/v TTXVN tại Mỹ)

Mỹ - Trung lập cơ chế thông báo quân sự
Mỹ - Trung lập cơ chế thông báo quân sự

Mỹ và Trung Quốc tuyên bố cam kết tăng cường mối quan hệ song phương và tìm kiếm một cơ chế thông báo, theo đó, hai bên cố gắng cho bên kia biết được các hoạt động quân sự lớn của mỗi nước trong nỗ lực ngăn chặn nảy sinh các vụ việc liên quan đến quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN