Khi mới nhậm chức đầu năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết thực hiện một khúc dạo đầu mới với các cường quốc đang nổi của thế giới. Nhưng sau 5 năm, quan hệ của Mỹ với các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đều đang ở "trạng thái bất hòa".
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương BRICS họp tại Washington, Mỹ, ngày 10/4. Ảnh: THX/TTXVN |
Thời báo Tài chính (Anh) số ra mới đây đánh giá rằng một số mối quan hệ của Mỹ bị mất đi là không thể tránh khỏi. Thời gian đầu nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama đã kêu gọi "cài đặt lại" mối quan hệ với Nga. Sự khởi động lại này được Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev ủng hộ tích cực. Nhưng không may cho ông Obama, người tiền nhiệm của ông Medvedev là Vladimir Putin sau đó đã trở lại phủ tổng thống.
Hành trình mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc cũng đi chệch hướng. Trong hai năm đầu cầm quyền, ông Obama đã thực hiện chuyến thăm nhiều kỳ vọng tới Trung Quốc kèm theo đề nghị Bắc Kinh đóng vai trò đối tác toàn cầu để cùng giải quyết những vấn đề lớn của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chưa đủ sẵn sàng để đối phó với những vấn đề tầm cỡ toàn cầu khi họ còn đang chật vật giải quyết những vấn đề trong nước, và đề nghị đó của Washington đã bị Trung Quốc từ chối. Năm tiếp đó, ông Obama lại khởi xướng chính sách "xoay trục sang châu Á". Chính sách này được Bắc Kinh nhìn nhận như một mưu toan của Washington nhằm củng cố các liên minh quân sự với các nước láng giềng trong khu vực.
Quan hệ Mỹ - Brazil cũng đã "đụng tường" sau vụ cựu nhân viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ chuyện Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mỹ nghe lén hồi năm ngoái. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington hồi năm ngoái để phản đối hành động gián điệp của Mỹ và quan hệ Mỹ - Brazil hiện trong tình trạng đóng băng.
Quan hệ của Mỹ với Ấn Độ hiện nay cũng khác xa so với hồi ông Obama mới lên nắm quyền. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Ấn Độ, ông Manmohan Singh, từng được ông Obama ca ngợi như một "Guru" và là khách mời trong tiệc quốc yến đầu tiên của Nhà Trắng năm 2009. Nhưng đến nay, mối thân tình Mỹ - Ấn đã phai nhạt. Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Nancy Powell đã đệ đơn từ chức sau khi bị đối xử như một nhà ngoại giao không được thừa nhận tại New Delhi hồi tháng 3 vừa qua.
Trong số các nước BRICS có lẽ chỉ có Nam Phi là hiện có quan hệ bình thường với Mỹ nhưng lại không mấy gần gũi. Nếu Nam Phi dành một nửa thời gian cần thiết để “ve vãn” Mỹ như nước này đã từng vận động để gia nhập khối BRIC thì mọi việc có thể đã khác. Không có ai ngạc nhiên khi Nam Phi cuối cùng cũng đi theo các nước còn lại trong nhóm từ chối lên án Nga vì đã sáp nhập Crimea.
Thời báo Tài chính cho rằng có hai điểm chung trong số các mối quan hệ đang xấu đi này của Mỹ. Thứ nhất, thế giới đang điều chỉnh để giảm sự phụ thuộc vào sức mạnh Mỹ. Cho đến nay, Washington vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới nhưng sức mạnh đó lại giảm sau mỗi năm. Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục tăng ở mức hai con số thì ngân sách quốc phòng Mỹ lại giảm. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của các nước BRICS đang chậm lại, song vẫn nhanh hơn nhịp độ của Mỹ và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn.
Thứ hai, công chúng Mỹ đã mệt mỏi với vai trò trách nhiệm toàn cầu của nước này. Chính sách xoay trục thực sự của ông Obama không phải là sang châu Á mà là chính ở nước Mỹ. Tuy vậy, việc xoay trục chính sách trong nước cũng không dễ dàng gì. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định rằng nước Mỹ hiện có hai phe: phe Dân chủ từ chối ủng hộ bất cứ kiểu thỏa thuận thương mại nào và phe Cộng hòa ghét cay ghét đắng mọi thiết chế quốc tế. Cả hai phe đều không muốn nghe lời ông Obama.
Vì vậy, việc các nước BRICS đang hình thành thói quen đối thoại với nhau mà không cần Mỹ cũng là điều dễ hiểu.
Đỗ Sinh