Mỹ đang đi 'nước cờ chiến lược' trong thương mại?

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục hoãn áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra những luồng dư luận trái chiều, không ít trong đó là hoài nghi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 1/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Đặc biệt, quyết định này được thông báo trong bối cảnh một phái đoàn Mỹ chuẩn bị tới Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này hé lộ toan tính của ông chủ Nhà Trắng sau quyết định được xem là "nhượng bộ" EU: Washington nhận thấy tầm quan trọng của EU và không muốn “đơn thương độc mã” trong cuộc thương lượng thương mại với Bắc Kinh. Bước đi của Mỹ được nhìn nhận là cách để biến EU trở thành "quân cờ chiến lược" trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Trước hết, quyết định của Mỹ là để xoa dịu đồng minh EU, tạm tránh một "cuộc so găng" với những thiệt hại chưa thể tính toán hết với EU trong lĩnh vực thương mại. Dù thế nào thì EU cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và khối này đã nhiều lần cảnh báo sẵn sàng thẳng tay trả đũa  nếu Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Hàng năm lượng thép và nhôm từ các nước EU xuất sang Mỹ trị giá khoảng 5 tỷ euro (6,2 tỷ USD).

Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, kế hoạch áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ có thể khiến EU thiệt hại khoảng 2,8 tỷ euro (3,4 tỷ USD), bởi vậy EC đã lên một danh sách các mặt hàng sẽ phải chịu thuế nhập khẩu vào EU, như xe mô-tô Harley Davidson, quần jeans Levi’s và rượu bourbon... trị giá 3,4 tỷ USD).

Động thái của Tổng thống Trump tiếp tục trì hoãn việc áp thuế với EU phản ánh lo ngại của Nhà Trắng về khả năng EU có thể trả đũa mạnh tay nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ vào thị trường rộng lớn bên kia bờ Đại Tây Dương này, điều sẽ biến chính sách thương mại của Tổng thống Trump thành "con dao hai lưỡi" và chắc chắn sẽ có những hậu quả kiểu “gậy ông đập lưng ông”. "Ẩn ý" thứ hai trong quyết định của Tổng thống Trump là tìm kiếm sự ủng hộ của EU trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Dự kiến, nhóm quan chức thương mại hàng đầu Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ tới Trung Quốc để thảo luận với các quan chức nước này xoay quanh vấn đề thâm hụt thương mại vốn lên tới mức kỷ lục 375 tỷ USD hồi năm ngoái  và những hành vi thương mại mà Washington coi là "thiếu công bằng" của Bắc Kinh liên quan  quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đây là những vấn đề không mới, song gây căng thẳng quan hệ hai nước trong nhiều năm qua. Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh “đánh cắp” các công nghệ của Mỹ, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục phủ nhận điều này.

Cả Mỹ và EU trong nhiều năm qua đã thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc tranh cãi tại Tổ chức Thương mại thế giới(WTO) về việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Washington và Brussels lâu nay cũng phải đối phó với "cơn lũ" hàng hóa giá rẻ hay làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc. Do vậy, việc Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ của EU trong vấn đề thương mại với Trung Quốc là hoàn toàn dễ hiểu. Thành viên cấp cao của Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế Monica de Bolle khẳng định ông Trump không thể một mình đương đầu với các chính sách công nghệ của Trung Quốc và “EU biết rõ điều này”.

Bà Bolle nhấn mạnh đối với Mỹ, vai trò quan trọng của EU không chỉ giới hạn trong mối quan hệ thương mại đơn thuần hay mọi vấn đề liên quan đến nhôm hoặc thép và Washington hoàn toàn nhận thức được rằng Brussels có sức nặng chính trị cũng như chiến lược không thể chối bỏ trong vấn đề này.  Cả Mỹ và EU đều chung quan điểm chống lại các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, song không có gì có thể đảm bảo rằng Brussels sẽ ủng hộ Mỹ trong cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc nếu chính EU cũng đang “đau đầu” với xung đột thương mại với Washington. Với quyết định "hòa hoãn" tạm thời", Washington đang tìm cách để đồng minh EU chấp nhận chiến lược của mình và giúp Mỹ củng cố sức mạnh trước Trung Quốc.

Chuyên gia thương mại thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) Edward Alden lý giải rằng với việc các quan chức thương mại cấp cao Mỹ chuẩn bị tới Trung Quốc, Washington hy vọng không làm hỏng các cuộc thương lượng hiện nay với Brussels, và đơn giản hơn không muốn mở ra một cuộc đối đầu khác với châu Âu. Vì vậy, quyết định của ông Trump có sự tính toán kỹ lưỡng về hậu quả tiếp theo. Theo chuyên gia thương mại này, giả sử chính sách áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm đối với EU có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/5, chắc chắn rằng những đòn trả đũa sau đó của khối liên minh này “sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong cuộc đối đầu với Trung Quốc".

Đối với ông Trump, quyết định trì hoãn việc áp thuế đối với EU là nhằm tìm kiếm sự hòa giải với đối tác quan trọng này nhằm tránh xảy ra cuộc chiến tranh thương mại, song đối với các nước EU, động thái trên tỏ ra chưa đủ. Giới chức Brussels đã thể hiện sự thất vọng về quyết định “nửa vời” này của ông Trump, đồng thời nhấn mạnh động thái của Mỹ chỉ kéo dài thêm sự bất ổn của thị trường, điều đã và đang ảnh hưởng tới các quyết định kinh doanh.  Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định việc áp thuế cao là cách thức sai lầm, và các nước châu Âu cần một chính sách thuế thỏa đáng trong dài hạn. Pháp nhất trí về nguồn cung thép và nhôm dư thừa hiện nay, song nhấn mạnh các nước EU không phải là tác nhân gây ra tình trạng này và Brussels phải được miễn trừ hoàn toàn khỏi chính sách áp thuế của Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Ross cho biết Mỹ có lý do chính đáng khi mới chỉ quyết định tạm hoãn việc áp thuế. Ông Ross thông báo các quan chức Mỹ và EU đang tiến hành các cuộc thỏa luận khá tích cực về việc giảm bớt những căng thẳng trong thương mại với EU, đồng thời kỳ vọng về những kết quả khả quan mà hai bên sẽ đạt được.

Giáo sư Eswar Prasad, chuyên ngành chính sách thương mại tại Đại học Cornell, lại cho rằng với việc chỉ hoãn áp thuế trong một khoảng thời gian ngắn, Trump muốn duy trì áp lực với Brussels. Chính quyền Mỹ đang kỳ vọng rằng việc duy trì áp lực này sẽ khiến EU sẽ sớm ‘đầu hàng’ trước các yêu cầu của Washington, cho dù khối liên minh đã tỏ ý rõ ràng rằng họ sẽ không đàm phán chừng nào vẫn bị đe dọa trừng phạt”. Và với những thỏa thuận đang xúc tiến với Brazil, Australia, Argentina và Hàn Quốc, nhiều khả năng Washington tính toán rằng EU khó có thể kiên định với lập trường này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump sẽ hành xử thế nào với EU nếu cuộc thương lượng tới đây với Trung Quốc không thành công và liệu Nhà Trắng có tiếp tục chính sách áp thuế hay không. Các chuyên gia phố Wall đều cho rằng ông chủ Nhà Trắng một lần nữa sẽ bỏ qua chuyện này, bởi ông không muốn việc áp thuế ảnh hưởng đến lá phiếu của các nghị sĩ Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs mới đây đưa ra dự đoán rằng Nhà Trắng nhiều khả năng trì hoãn quyết định áp thuế cuối cùng trong nhiều tháng tới. Tuy nhiên, ông Chad Brown, một thành viên cấp cao khác của Viện Peterson lưu ý rằng với tình khí thất thường, ông Trump có thể gây bất ngờ với quyết sách mới. Ông Brown cho rằng với những điều đã làm cho tới nay, ông Trump đang khiến mọi việc trong chính sách thương mại trở nên “khó định”.

Thanh Hương (TTXVN)
Lý do Mỹ hoãn áp thuế thép, nhôm nhập khẩu từ EU
Lý do Mỹ hoãn áp thuế thép, nhôm nhập khẩu từ EU

Ngày 1/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc Washington hoãn áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 1 tháng là nhờ kết quả từ các cuộc thảo luận nhằm làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN