Thép được sản xuất tại nhà máy ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Ross nhấn mạnh: "Chúng ta đã có những cuộc thảo luận thành công về việc giảm thiểu căng thẳng thương mại nói chung".
Tuy nhiên, ông Ross cũng cho rằng việc miễn thuế không nên trở thành một thông lệ, đồng thời cho biết Washington đã lên kế hoạch đánh thuế Trung Quốc, nếu phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh không thể dàn xếp việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng thương mại.
Trước đó, ngày 30/4, Tổng thống Trump tuyên bố quyết định lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt này khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.
EU đã tỏ ý thất vọng về quyết định chỉ gia hạn miễn thuế của Washington, cho rằng điều này càng "kéo dài bất ổn", đồng thời kêu gọi Mỹ miễn trừ vĩnh viễn các khoản thuế kể trên.
Tuyên bố của EU có đoạn: "Quyết định của Mỹ càng kéo dài bất ổn trên các thị trường, thực tế vốn đã tác động tới các quyết định kinh doanh... EU lẽ ra phải được miễn trừ hoàn toàn và vĩnh viễn các khoản thuế đó bởi họ (Mỹ) không thể lấy các lý do an ninh quốc gia để áp đặt các khoản thuế đó”.
Tổng thống Trump cho rằng các khoản thuế dự tính áp dụng là một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia bởi vì tình trạng sản xuất dư thừa của một số quốc gia đã làm hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ và ít được ưa chuộng hơn trên các thị trường toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng quyết định tiếp tục hoãn áp thuế thêm 30 ngày của Tổng thống Donald Trump là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của khối kinh tế này trong bối cảnh Washington đang có các cuộc họp bàn về vấn đề thương mại khá căng thẳng với Bắc Kinh. Động thái mới của Washington diễn ra chỉ một ngày trước khi phái đoàn Mỹ lên đường tới Trung Quốc để tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến thương mại liên quan tới các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.
Phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc gặp ngày 3 - 4/5 gồm có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng hai cố vấn kinh tế của Nhà Trắng là Larry Kudlow và Peter Navarro.
Theo bà Monica de Bolle, nhà nghiên cứu cấp cao hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Tổng thống Trump không thể "đơn thương độc mã" trong cuộc đối đầu với Trung Quốc "và EU hiểu điều đó”. Bà Monica de Bolle nhấn mạnh: "Tầm quan trọng của EU đối với Mỹ lớn hơn nhiều vấn đề thương mại hay những gì liên quan tới thép và nhôm". Bà cũng cho rằng Brussels có ảnh hưởng không thể phủ nhận về mặt chiến lược và ngoại giao, thực tế mà Washington không thể phớt lờ.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại Edward Alden, làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Washington đang tìm cách tránh gây tổn hại tới hiện trạng mối quan hệ với EU khi bắt đầu các cuộc đối thoại căng thẳng với Bắc Kinh. Ông nói: "Phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc, bởi vậy Chính quyền Trump chỉ đơn giản là không muốn vướng vào một cuộc tranh cãi khác với EU".
Ông Alden nhận định nếu các khoản thuế nhằm vào kim loại của EU có hiệu lực trong ngày 1/5, những đòn trả đũa sau đó của EU "sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong khi đối đầu với Trung Quốc”.