Chỉ hơn một tuần trước, khi các nhà ngoại giao hàng đầu tại Geneva thông báo một thỏa thuận về Ukraine được cho là để xoa dịu cuộc khủng hoảng, nhiền chuyên gia cảnh báo rằng căng thẳng đã lên đến mức quá cao nên rất khó giải quyết. Hiện tại thì tình hình đang xấu đi rất nhiều khi các cuộc đụng độ ở miền đông Ukraine tiếp tục nổ ra khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Trong khi đó, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều đưa ra những lời cảnh báo về "hậu quả" nếu các bên không kiềm chế. Thủ tướng tạm quyền của Ukraine nhấn mạnh hơn rằng châu Âu có thể đang trên bờ vực của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ III.
Binh sĩ Ukraine gác tại trạm kiểm soát cách thành phố Slavyansk khoảng 25km, ngày 27/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo các chuyên gia, sự bùng phát xung đột tại khu vực phía đông Ukraine dẫn đến một cuộc chiến không phải là không có khả năng, nhưng khi chiến tranh lan rộng, nguy cơ Washington và các đồng minh có thể sẽ bị sa lầy vào một tình huống mà không ai mong muốn.
"Tôi không muốn nhấn mạnh về việc chúng ta đang kỷ niệm 100 năm xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ I. Nhưng cũng giống như năm 1914, các bên có thể rơi vào ‘cái bẫy’ chính trị và sự khiêu khích, bên này có thể hiểu sai về bên kia. Điều đó không có xác suất cao, nhưng tôi không loại trừ khả năng này”, Thomas Graham, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề toàn cầu Jackson, Đại học Yale (Mỹ) đồng thời là Giám đốc điều hành tại “Kissinger Associates” nói.
Ông Graham - người từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống George W. Bush và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Nga giai đoạn 2004-2007 – bày tỏ quan ngại về những gì mà ông xem là Mỹ đã thất bại trước Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Chúng tôi (nước Mỹ) đã sai lầm khi đưa ra chính sách không hiểu được phía bên kia đánh giá thế giới thế nào. Ông Putin chỉ muốn một sự bảo đảm rằng Kiev sẽ không trở thành một phần của NATO để công khai chống lại Nga”, ông Graham nói và cho biết thêm rằng Mỹ đã tính sai mức độ tâm lý cực đoan chống Nga trong cuộc biểu tình Maidan của Ukraine, do đó đã không hiểu hoặc chuẩn bị cho phản ứng từ phía Moskva.
Theo Giáo sư Anatol Lieven, người chuyên nghiên cứu về các cuộc chiến tranh tại Đại học King ở London (Anh) và một thành viên cao cấp tại “New America Foundation”, việc bảo đảm Ukraine không gia nhập NATO là một lời hứa chính trị khó khăn của phương Tây, nhưng về mặt đạo đức và thực tế, nó rất đáng hoan nghênh. Bởi vì Mỹ và đồng minh cho biết, họ không muốn gây ra một cuộc chiến tranh với Nga liên quan đến các khu vực thuộc Liên Xô cũ, nên để Ukraine trở thành thành viên của NATO là một sự vô trách nhiệm về mặt đạo đức và chiến lược.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã có những bước đi tích cực nhằm cải thiện quan hệ với hợp tác với NATO và EU cũng như Mỹ. Ví dụ, sau vụ khủng bố ngày 11/9, ông Putin là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Nhà Trắng. Khi cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu, Nga đã cung cấp các tuyến đường có sẵn cho NATO đi qua lãnh thổ của mình và chuẩn bị hợp tác sâu rộng hơn nữa trong việc thiết lập dịch vụ không vận chiến lược để vận chuyển thương binh ra khỏi Afghanistan.
Nhưng thay vào đó, Mỹ và các đồng minh của mình lại thực hiện các bước mở rộng NATO, tiến sát biên giới với Nga, đặt các hệ thống phòng thủ và đánh chặn tên lửa ở đó, khiến cho Moskva cảm thấy bị đe dọa. Điều này đã phá hủy niềm tin của Nga đối với NATO. "Họ (Nga) cho rằng chúng tôi không tôn trọng họ", ông Graham nói.
Người biểu tình tuần hành trên đường phố ở Donetsk ngày 27/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ tại Moskva cũng đồng tình với quan điểm trên và bình luận trên tờ Bưu điện Washington mới đây rằng Washington đã bỏ lỡ những cơ hội tốt trong việc hợp tác với Moskva; sự mở rộng của NATO dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush như là một “cú đá tập hậu” đối với Nga.
"Thực tế đáng buồn là Mỹ đã lặp lại những hành động thô bạo nên đã tạo ra những phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Điều này đã đầu độc mối quan hệ ngoại giao khá yên ả kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, Matlock viết.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố những hình ảnh cho rằng lực lượng đặc biệt của Nga đang kích động một phong trào ly khai ở miền đông Ukraine. Về phần mình, Moskva chỉ ra rằng chuyến thăm Kiev của Giám đốc CIA và Phó tổng thống Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington đang "giật dây" ở Ukraine.
Đó là những điều khiến cho tình hình hiện nay trở nên rất nguy hiểm, "làm thế nào để làm giảm leo thang căng thẳng vào thời điểm này? Chúng tôi không có các kênh cần thiết để liên lạc", Graham cho biết. Như vậy, căng thẳng đã tăng lên rất cao vào thời điểm này và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
"Chúng tôi không biết tình hình sẽ diễn ra thế nào. Không ai thực sự kiểm soát được tình hình. Nếu bạo lực lan rộng ở miền đông Ukraine, Putin không thể không gửi lực lượng tới đó. Nhưng nếu quân đội Nga di chuyển qua biên giới, phương Tây sẽ phản ứng ra sao? Các biện pháp trừng phạt không thể ngăn chặn điều đó, trong khi Washington và EU không sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình để trừng phạt Nga", vị trợ lý đặc biệt của Tổng thống Bush (con) nhận định.
Theo ông Graham, lúc này Mỹ và EU đang tuyệt vọng trong việc tìm kiếm biện pháp trừng phạt để "thể hiện một điều gì đó" nhưng không muốn bất cứ thiệt hại nào và: “Washington đã không thực sự có được một phản ứng phù hợp với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi không biết phải làm gì. Nga đã vượt trội so với chúng tôi. Đây chắc chắn là một khoảng thời gian khó khăn trong quan hệ Nga - Mỹ và không ai nói về một sự ‘tái khởi động’ nó nữa”.
Công Thuận (Theo I.S.S)