Trong khi các hãng truyền thông lớn và giới chính trị gia của Mỹ tiếp tục đưa tin về “dấu vết của Nga” trong kỳ bầu cử Mỹ năm 2016, điều này không chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu hạt nhân toàn diện nhưng các hành động khiêu khích của Washington đối với Triều Tiên lại là một câu chuyện khác.
Trả lời phóng vấn chương trình The Today Show ngày 1/8, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận chiến tranh với Triều Tiên là một phương án. “Có lựa chọn quân sự để phá hủy chương trình của Triều Tiên. Nếu có một cuộc chiến để chặn (ông Kim Jong-un), nó sẽ ở đó. Nếu hàng ngàn người chết, họ sẽ chết ở đó. Họ sẽ không chết tại đây”, ông Graham nói.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ được hộ tống bởi các tàu chiến tiến vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương hồi tháng 5. Ảnh: AP |
Nghị sĩ Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đã nói với mình rằng nếu ông ấy là Trung Quốc, ông ấy “sẽ tin tưởng vào ông (Donald Trump), cũng như làm điều gì đó”.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton chia sẻ trên sóng kênh Fox News rằng Mỹ cần “thống nhất Bán đảo Triều Tiên” và cân nhắc một lựa chọn quân sự đối với Bình Nhưỡng. “Lựa chọn quân sự đang được xem xét”, ông nói và dẫn nguồn giới chức quân sự. Ông cũng đặt câu hỏi nếu lựa chọn khác là các công dân Mỹ bị thiệt mạng do một thứ vũ khí hạt nhân phóng đi từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ sẽ làm gì?
Theo nhà báo Petr Akopov, vấn đề Triều Tiên ban đầu nổi lên như một công cụ để
hăm dọa Trung Quốc. Dường như ai đó đã thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng đó sẽ là cách tốt nhất để gây sức ép lên Bắc Kinh. Quả thực, trong quan điểm của Washington, vấn đề Triều Tiên không gây tranh cãi bằng chủ đề Đài Loan, ông Akopov lưu ý.
“Nếu ông Trump tiếp tục hăm dọa Trung Quốc với khả năng hủy bỏ vấn đề Đài Loan (đó là xem xét lại chính sách ‘Một Trung Quốc’), điều này đơn giản dẫn đến một sự tê liệt trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Tập Cạn Bình sẽ thậm chí không nói chuyện với Tổng thống Mỹ, người muốn làm suy yếu nền tảng của quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Akopov lý giải.
Ngoài ra, các nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thuyết phục Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên không hề thu được kết quả.
“Vậy ông Trump muốn gì? Ông ấy muốn Trung Quốc đem Triều Tiên đến cho mình, ép Bình Nhưỡng phải dừng chương trình hạt nhân hoặc thậm chí thay đổi chế độ ở đó? Cả hai lựa chọn trên đều không thể, thậm chí nếu vì một lý do nào đó Bắc Kinh đột nhiên quyết định tặng một món quà cho người Mỹ, nhà báo Akopov viết.
Nhà báo trên giả định Tổng thống Trump muốn ép Bắc Kinh xin lỗi đồng minh của nước này trước tiên rồi sau đó đưa ra những nhượng bộ thương mại đáng kể. Nếu kế hoạch này hiệu quả, ông Trump sẽ là chính trị gia giải quyết được cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Vấn đề ở đây là cách tiếp cận này hoàn toàn tách rời khỏi thực tế, chủ bút tại tờ Vzglyad nhấn mạnh, và các chính trị gia Mỹ đã ít hiểu biết về tình hình ở Triều Tiên cùng mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng.
Như một hệ quả, chiến thuật hiếu chiến của chính quyền Trump dường như vừa nực cười vừa nguy hiểm. Mặt khác, không có ai sáng suốt lại tin rằng Bình Nhưỡng chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Hay như sự hăng hái của Mỹ về khả năng chiến tranh với Triều Tiên.
Trong nửa năm qua, Washington đã kiên trì gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, trong khi Bình Nhưỡng lại phản ứng bằng cách tăng cường các hoạt động trong chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng khẳng định chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này chỉ nhằm đảm bảo an toàn lãnh thổ quốc gia.
Trên quan điểm này, việc Mỹ điều vũ khí và binh sĩ tới gần biên giới Triều Tiên sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Câu hỏi được đặt ra là liệu Bình Nhưỡng có phải là kẻ gây rắc rối ở trong khu vực hay không. “Đó chính là nơi mà mối đe dọa hòa bình xuất phát: cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ vào Triều Tiên, một quốc gia không gây ra đe dọa với Mỹ, nhưng ngược lại, đã sống 65 năm trong đường ngắm của vũ khí Mỹ”, ông Akopov kết luận.