Lý do Tổng thống Putin không muốn giảm sản lượng dầu mỏ

Tổng thống Nga Vladimir Putin biết ngành dầu mỏ Mỹ hình thành trên một “núi nợ”, nên khi Saudi Arabia kêu gọi cắt giảm sản lượng “vàng đen”, nhà lãnh đạo Nga đã quyết định khác.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) cho biết Nga ngày 6/3 đã không ủng hộ kế hoạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về giảm khai thác dầu mỏ ở thời điểm nhu cầu “vàng đen” giảm do virus Corona (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mục đích của Nga là giành lại thị phần từ các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Saudi Arabia đáp trả Nga bằng việc khơi mào chiến tranh giá dầu khi giảm giá dầu và cam kết tăng sản lượng. Saudi Aramco ngày 10/3 tuyên bố khai thác 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng 4.

Tuy nhiên, Nga có lợi thế về tài chính hơn Saudi Arabia. Dầu mỏ chỉ đóng góp 37% vào ngân sách Nga, còn Saudi Arabia là 65%. Các nhà phân tích đánh giá Nga có thể cân bằng ngân sách ở mức 42 USD/thùng, nhưng Saudi Arabia phải đạt mức 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, ông Bjornar Tonhaugen tại công ty Rystad Energy (Na Uy) nhận định: “Tất cả đều bị tổn thương bởi điều này, bao gồm cả Nga. Và tất nhiên quyết định này sẽ gây khó khăn cho cả Mỹ”.

Ngày 9/3, giá dầu giảm mạnh khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm giá dầu. Giá dầu thô của Mỹ cũng giảm 26% xuống mức thấp nhất trong 4 năm là 31,13 USD/thùng.

Giá dầu thô ở mức thấp khiến nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ buộc phải giảm sản lượng. Nỗi lo sợ phá sản phủ mây đen lên các công ty khai thác dầu mỏ Mỹ.

Cổ phiếu của những công ty như ExxonMobil và Chevron đều giảm 12% giá trị. Tình trạng xuống dốc này gây nguy cơ lặp lại khủng hoảng giá dầu năm 2014-2016 khiến nhiều công ty khí đốt và dầu mỏ Mỹ phá sản. Mặc dù ngành dầu mỏ Mỹ vượt qua “cơn bão” này nhưng cũng phải chịu nhiều thiệt hại.

Ông Ryan Fitzmaurice tại ngân hàng Rabobank nhận định: “Nga nhận thấy dầu đá phiến của Mỹ đặc biệt yếu thế ở thời điểm này. Chúng tôi cho rằng Nga đang nhắm đến những nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vốn ngập trong nợ nần”.

Ông Michael Tran tại công ty RBC Capital Markets nói: “Đây là cuộc cạnh tranh giữa Nga và Saudi Arabia, trong khi những quốc gia khác mắc kẹt ở giữa”.

Nga gần đây đã mất kiên nhẫn với OPEC về việc cân bằng thị trường dầu mỏ. Trong nhiều năm, Nga cùng OPEC giảm sản lượng để duy trì giá dầu, nhưng việc cắt giảm sản lượng lại buộc Nga chia thị phần cho năng lượng Mỹ.

Chú thích ảnh
Khai thác dầu mỏ tại Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: Bloomberg

Ngoài cuộc chiến về thị phần, các nhà phân tích cho rằng động thái của Nga còn là lời đáp trả cho lệnh trừng phạt năng lượng của Mỹ.

Trong cuộc họp ngày 9/3 với Đại sứ Nga Anatoly Antonov, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của trật tự trong thị trường năng lượng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Nhà phân tích Stewart Glickman tại công ty CFRA Research ngày 9/3 nhận xét: “Hai tháng qua thực sự là bộ phim kinh dị đối với các nhà đầu tư năng lượng. Cùng lúc chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng mức cầu do COVID-19 và mức cung do OPEC+”.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là giá dầu sẽ rơi xuống mức thấp như thế nào và câu trả lời lại nằm trong tay của Nga và Saudi Arabia.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nga khuyên người dân tránh phương tiện công cộng vào giờ cao điểm vì COVID-19
Nga khuyên người dân tránh phương tiện công cộng vào giờ cao điểm vì COVID-19

Cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng Rospotrebnadzor của Nga ngày 10/3 đã khuyến khích người dân tránh sử dụng các phương tiện công cộng trong giờ cao điểm để tránh lây lan virus Corona (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN