Lý do Nga có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên

Giống như Washington, Moskva bất đắc dĩ phải chấp nhận một Triều Tiên sở hữu hạt nhân, nhưng Nga có nhiều lợi thế để có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa đất đối đất Hwasong-10 được phóng tại một địa điểm bí mật của Triều Tiên ngày 23/6/2016. Ảnh: Reuters/TTXVN

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra đã đăng bài viết với tiêu đề "Nga có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên" với nội dung xoay quanh vấn đề được quan tâm này.

Theo tác giả bài viết, Nga hiện đang ở vị thế tốt để đóng một vai trò trung tâm trong việc quản lý và kiểm soát Triều Tiên thúc đẩy các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Một vai trò lớn hơn cho Nga để đối phó với Triều Tiên có thể mang lại một số tiến bộ trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng- một đóng góp triển vọng mà hiếm khi được phương Tây công nhận.

Tại sao Nga có thể kiềm chế được tham vọng hạt nhân của Triều Tiên? Nga có chung biên giới đất liền với Triều Tiên và có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với lãnh đạo của đất nước này.

Nhìn chung, kể từ khi thành lập cách đây 70 năm, quan hệ Triều Tiên-Nga tương đối ổn định. Hơn nữa, Nga có thể là nước duy nhất mà Bình Nhưỡng vẫn còn thân thiện. Mặc dù Trung Quốc vẫn là đồng minh hiệp ước và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thời gian gần đây được đánh dấu bằng sự gia tăng ngờ vực.

Trong khi khối lượng giao dịch thương mại trực tiếp của Nga với Triều Tiên là nhỏ (khoảng 100 triệu USD mỗi năm), bằng 1/3 lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên có thể bao gồm các sản phẩm có xuất xứ từ Nga, chủ yếu là dầu và nhiên liệu có liên quan.

Hơn nữa, Nga hiện đón khoảng 30.000 lao động Triều Tiên và thu nhập của họ gửi về Bình Nhưỡng mỗi năm ước tính lên đến 170 triệu USD tiền mặt. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp do Triều Tiên sở hữu đang hoạt động tại Nga.

Nga là một trong số rất ít các điểm đến cho sinh viên Triều Tiên. Những sinh viên này hầu hết theo học các ngành khoa học nhân văn, kỹ thuật và khoa học. Về giao thông, Nga là nước duy nhất, ngoài Trung Quốc, duy trì giao thông đường bộ thường xuyên với Triều Tiên và cho phép hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo thực hiện các chuyến bay theo lịch trình.

Cuối cùng, nhờ vị trí chiến lược, Nga có thể đề nghị lập các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt, đường sắt và mạng lưới truyền tải điện nối vùng Viễn Đông của Nga đến bán đảo Triều Tiên. Nếu được thực hiện, những dự án này có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế Triều Tiên.

Một vài năm trước, Nga đã chi khoảng 300 triệu USD nâng cấp một tuyến đường sắt xuyên biên giới dài 54 km từ Khasan của Nga đến cảng Rajin của Triều Tiên. Tuyến đường sắt Khasan-Rajin vẫn là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Triều Tiên, trừ một số dự án do Hàn Quốc tài trợ.

Giống như Washington, Moskva bất đắc dĩ phải chấp nhận một Triều Tiên sở hữu hạt nhân, dù những lý do của Điện Kremlin có thể hơi khác. Mặc dù khu vực thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên chỉ cách Vladivostok 200 dặm, nhưng Nga không cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục hạt nhân hóa chắc chắn sẽ làm giảm giá trị kho vũ khí hạt nhân của Nga, mà nước này coi như một thuộc tính quan trọng thể hiện sức mạnh của họ và đảm bảo tuyệt đối an ninh quốc gia.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) trong chuyến thăm một đơn vị quân đội ngày 25/11. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Rõ ràng, Nga có lợi thế đáng kể trong việc gây sức ép lên chế độ Triều Tiên hoặc cải thiện hành vi của nước này. Điều đó nói lên rằng vai trò của Moskva ở bán đảo Triều Tiên hiện đang bị hạn chế bởi quan hệ gần như liên minh với Bắc Kinh. Sự “ghẻ lạnh” của phương Tây đối với Moskva trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm cho Nga ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, chính sách của Nga về vấn đề Triều Tiên phần lớn phù hợp với chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chơi trò chơi chiến lược riêng của mình tại bán đảo Triều Tiên, mà ở đó giải trừ hạt nhân của Triều Tiên không phải là ưu tiên hàng đầu.

Việc Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ sẽ có những triển vọng cải thiện trong quan hệ Mỹ-Nga. Nếu quan hệ Mỹ-Nga hòa dịu trở lại, Moskva sẽ “tự do, thoải mái” hơn so với Bắc Kinh, kể cả ở bán đảo Triều Tiên. Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung có khả năng tiếp tục phát triển, nhưng Moskva vẫn muốn hoạt động độc lập hơn như một cực trong địa chính trị khu vực Đông Á, chứ không muốn hoạt động thụ động hoặc “gần như đồng minh” của Bắc Kinh.

Nga có tham vọng trở thành cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở bán đảo Triều Tiên. Việc Nga trì hoãn bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào tháng 3/2016 và tháng 11/2016 cho thấy Moskva thực sự không hài lòng khi bị loại khỏi việc ra quyết định trong khu vực.

Về mặt ngoại giao, Nga gần như ở vị trí lý tưởng để đóng vai trò đàm phán chủ chốt trong việc tìm kiếm một giải pháp đa phương cho vấn đề hóc búa Triều Tiên. Moskva là bạn bè với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, có mối quan hệ khá tốt với Seoul và gần đây tăng cường quan hệ với Tokyo. Một lý do quan trọng nữa là trong những năm gần đây, Nga ít quan tâm đến vấn đề Triều Tiên do tập trung giải quyết khủng hoảng Ukraine và Syria.

TTK
Hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên: Hy vọng ngắn chẳng tày gang
Hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên: Hy vọng ngắn chẳng tày gang

Hy vọng hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên ngắn chẳng tày gang khi Triều Tiên liên tiếp phóng hai quả tên lửa và tuyên bố đàm phán 6 bên là quá khứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN