Đây là phản ứng của Washington sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư. Nhưng theo các chuyên gia, mục đích của Mỹ không phải là chiến tranh mà là củng cố liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đạt được mục tiêu "lôi kéo" Bắc Kinh tham gia vào cuộc chơi của mình.
Bên cạnh việc chỉ trích Bình Nhưỡng, Trung Quốc cũng khẳng định chính chính sách của Mỹ đã buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải tăng cường khả năng quân sự của mình. Căng thẳng đã gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiến hành thảo luận để tăng cường “tiềm lực chiến lược” của Mỹ ở bán đảo này. Theo đó, Mỹ có thể sẽ điều máy bay ném bom B-2, chiến đấu cơ tàng hình F-22 và tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc. Seoul giới hạn các kỹ sư và quản lý Hàn Quốc tiếp cận khu công nghiệp chung Kaesong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã nối lại các chiến dịch tuyên truyền chống nhau bằng loa phát thanh ở khu vực biên giới. Liệu có dẫn đến một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới?
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc hàng rào thép gai gần biên giới liên Triều ngày 10/1, chỉ vài giờ sau khi Mỹ triển khai máy bay B-52 tới Hàn Quốc. |
Trả lời báo Độc lập, Kostantin Asmolov - nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga - cho biết: “Sự gia tăng thực chất lực lượng quân đội Mỹ sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị tại đây. Đương nhiên, Mỹ sẽ tham gia “cuộc chơi” với Triều Tiên về bom nhiệt hạch (bom H) để đảm bảo lợi ích của mình. Nhưng hiện đối với Mỹ, bán đảo Triều Tiên không phải là hướng chiến lược ưu tiên nhất. Cho tới nay, Nhà Trắng vẫn chưa có tuyên bố nào về việc quả bom H của Triều Tiên là có thật hay không và vẫn đang chỉ trích vụ thử hạt nhân. Đề cập đến việc Mỹ kêu gọi Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng, ông Asmolov nhận định: Trung Quốc đang không ngừng giải thích rằng không hề có đòn bẩy áp lực tuyệt đối nào. Hãng tin Tân Hoa Xã thì cho rằng Triều Tiên đã sai lầm nhưng chính Mỹ cũng có một phần trách nhiệm.
Nga vẫn giữ quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng không được vi phạm nghị quyết của Liên Hợp quốc, nhưng tất cả các vấn đề vẫn cần được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Tình hình đang khá phức tạp nhưng không phải không có hy vọng”. Nguồn tin này cho biết Nga đã tiến hành một loạt các cuộc điện đàm về tình hình tại bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh: “Bây giờ, vấn đề cơ bản đang diễn ra ở New York”. Tuy nhiên, các nhà quan sát nước ngoài đều thiếu lạc quan khi nghĩ tới triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Hãng tin Reuters dự đoán rằng, nếu Mỹ (giống như trước) sẽ yêu cầu Trung Quốc sử dụng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của mình với Triều Tiên để tác động tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì họ sẽ lại thất bại thêm một lần nữa. Hiện giao dịch thương mại với Trung Quốc đang chiếm 90% kim ngạch ngoại thương với Triều Tiên, Trung Quốc hàng năm cung cấp cho Triều Tiên 1 triệu tấn dầu - điều này cho phép Bắc Kinh có mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên. Vấn đề ở chỗ nếu Trung Quốc áp đặt các biện pháp cứng rắn, sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu và điều này sẽ khiến tình hình Triều Tiên xấu đi, dẫn đến dòng người tị nạn tràn vào các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Nếu chế độ ở Triều Tiên sụp đổ, dòng người tỵ nạn sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu kịch bản đó xảy ra thì quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ tiến sát biên giới Trung Quốc, điều này với Bắc Kinh chắc chắn còn tồi tệ hơn nhiều.