TTCK không tin chiến tranh Triều Tiên tái diễn

Lịch sử cho thấy trước chiến tranh, thị trường chứng khoán thường sụt giảm, nhưng dường như điều đó đã không ứng nghiệm nếu giả định bán đảo Triều Tiên sắp bùng nổ chiến tranh.

Một ngày thời điểm được cho là Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới tái diễn trên bán đảo Triều Tiên, các thị trường chứng khoán chủ chốt của thế giới như Mỹ,  Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong đều tăng điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, lên 14.673,46 điểm – cao nhất từ trước đến nay, chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, lên 1.568,61 điểm.


Màu xanh phủ khắp TTCK Hong Kong sáng 10/4.

Ở khu vực châu Á, chỉ số Nikkei 225 chỉ giảm 0,34 điểm (0%), nhưng nguyên nhân chính không phải là do nỗi lo chiến tranh Triều Tiên mà vì nhiều nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng dài trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Đối với thị trường chứng khoán Hàn Quốc, sau 6 phiên giao dịch giảm điểm liên tiếp, đà đi xuống đã được chặn lại khi chỉ số Kosspi ngày 9/4 tăng 2.05 điểm, tương đương 0,11%.

Một nơi quan trọng khác là thị trường chứng khoán Hong Kong, tâm lý của các nhà đầu tư ở đây dường như đã ổn định trở lại sau cú sốc mang tên “cúm H7N9”.

Cộng thêm thông tin tích cực là chỉ số CPI tháng 3 của Trung Quốc chỉ tăng 2,1%,  thấp hơn mức dự báo của giới chuyên gia (2,5%), khiến chỉ số Hang Seng ngày 9/4 tăng 152 điểm, tương đương 0,7%.

Bước sang ngày 10/4, những tín hiệu tích cực tiếp tục xuất hiện trên thị trường chứng khoán châu Á khi chỉ số Nikkei 225, chỉ số Hang Seng đã tăng ngay từ khi mở cửa, trong khi chỉ số Kospi chỉ giảm nhẹ (khoảng 0,5% vào lúc 10 giờ 30 giờ Hàn Quốc).

Chiến tranh ảnh hưởng tới kinh tế, trong khi đó, thị trường chứng khoán được coi như phong vũ biểu của nền kinh tế.

Lịch sử cho thấy hàng tuần trước Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, khủng hoảng tên lửa Cuba, Chiến tranh vùng Vịnh, giá cổ phiếu đã rớt giá thảm hại.

Sau đó, các chỉ số trên thị trường chứng khoán chỉ quay đầu giảm điểm khi các cuộc chiến tranh đó bắt đầu còn đối với trường hợp khủng hoảng tên lửa Cuba là khi xuất hiện dấu hiệu kết thúc trong hòa bình.

Ví dụ: Trước Chiến tranh vùng Vịnh, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 12%, xuống 295,46 điểm vào tháng 10/1990. Nhưng khi Mỹ bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 1/1991, chỉ số S&P 500 đã tăng lên 327,97 điểm và tăng tiếp 28% trong vòng 1 năm sau.

Hiện nay, chiến tranh Triều Tiên chưa bắt đầu. Các thị trường chứng khoán chủ chốt của thế giới lại có diễn biến trái chiều với những gì lịch sử ghi nhận.

Điều đó phải chăng là do các nhà đầu tư không sợ chiến tranh Triều Tiên hoặc nhận định chiến tranh Triều Tiên không thể nổ ra.

Nếu gắn kết với những gì diễn ra trước đây sau mỗi lần Bình Nhưỡng đưa ra lời đe dọa, tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng nước này không cho phép sinh sự trước cửa ngõ Bắc Kinh và những nỗ lực giảm nhiệt của Mỹ cũng như sự đi xuống của giá dầu thế giới thời gian gần đây…, nhận định chiến tranh Triều Tiên không thể nổ ra càng có thêm cơ sở.


Tin, ảnh: Hà Ngọc (Pv TTXVN tại Hong Kong)

Chứng khoán Hong Kong 'sốc' trước tin cúm H7N9
Chứng khoán Hong Kong 'sốc' trước tin cúm H7N9

Khác với sự bùng nổ của chứng khoán Nhật Bản, tăng hơn 4% ngay phút mở cửa, chứng khoán Hong Kong ngày 5/4 đã trở về với mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012 sau khi giảm hơn 610 điểm, tương đương 2,73% so với phiên trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN