Hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên: Hy vọng ngắn chẳng tày gang

Hy vọng hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên ngắn chẳng tày gang khi Triều Tiên liên tiếp phóng hai quả tên lửa và tuyên bố đàm phán 6 bên là quá khứ.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 23/6, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui tuyên bố nước này “không có ý định” nối lại cuộc đàm phán 6 bên. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hy vọng về việc nối lại đàm phán 6 bên vừa được nhen nhóm khi các phái viên hạt nhân hàng đầu của 6 nước tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhóm họp tại Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á 2016 đã nhanh chóng bị dập tắt với việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử hai quả tên lửa đạn đạo, đồng thời tuyên bố “đàm phán 6 bên chỉ còn là quá khứ”.

Ngày 22/6 vừa qua, các nhà ngoại giao cấp cao của 6 nước tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đã tham dự cuộc họp an ninh không chính thức lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua để thảo luận cách thức làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Triều Tiên cử các quan chức tham dự diễn đàn Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á kể từ năm 2012. Tuy nhiên, đại diện Triều Tiên là bà Choe Son-Hui, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên và là người có kinh nghiệm tham gia đàm phán 6 bên cũng như các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ tuyên bố nước này “không có ý định” nối lại các cuộc đàm phán để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh các chính sách thù địch của Mỹ vẫn tồn tại. Bà Choe Son-Hui còn khẳng định Triều Tiên “không thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trừ phi thế giới cũng từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2008. Cho đến nay, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chủ trương gây sức ép với Triều Tiên và từ chối nối lại đàm phán nếu Triều Tiên không có động thái cụ thể hướng tới từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye một lần nữa khẳng định quyết tâm buộc Triều Tiên phải lựa chọn con đường phi hạt nhân hóa và nhấn mạnh “các hành động khiêu khích liên tiếp của Bình Nhưỡng, bao gồm cả vụ phóng hai quả tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 22/6, là minh chứng cho thấy tình trạng đối đầu hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên khó có thể sớm được giải quyết”.

Bản tin về vụ phóng thử tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên được phát tại nhà ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho rằng vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Musudan đã “thành công” mà không gây nguy hại đến an ninh của các nước xung quanh. Tuy vậy, vụ việc vẫn làm dấy lên lo ngại về khả năng phạm vi tấn công của tên lửa có thể mở rộng ra toàn bộ mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, tây Thái Bình Dương.

Tháng 5 vừa qua, Triều Tiên cũng đã thử tên lửa Musudan nhưng không thành công. Giới phân tích đã khuyến cáo các nước lân cận chuẩn bị đối phó với mối đe dọa từ hiểm họa Musudan. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, 2 tên lửa Musudan trong cuộc thử nghiệm ngày 22/6 đã cho thấy tiến bộ nhất định trong phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng còn tuyên bố đã phát triển được tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ kích thước.

Các nhà phân tích cho rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên được xem như một thách thức trước dư luận quốc tế. Đáng quan ngại hơn, những đe dọa tấn công từ Triều Tiên nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc cũng như những tuyên bố răn đe và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Hàn Quốc và Mỹ đối với Triều Tiên cho thấy sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên không chỉ đe dọa an ninh trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Những vụ phóng thử tên lửa liên tiếp từ đầu năm đến nay khiến bầu không khí trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên ngột ngạt và căng thẳng. “Sức nóng” ở khu vực này xem ra chưa thể giảm khi Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẽ “không nhân nhượng trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên”. Những tuyên bố và động thái đáp trả từ cả hai phía đã trở thành lực cản chính trên con đường tìm kiếm ổn định và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của LHQ, Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác đối với Triều Tiên xem ra vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích và đối đầu để hạ nhiệt căng thẳng, tiến tới nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm tiếng nói chung cho những vấn đề còn bất đồng.

Nguyệt Anh (TTXVN)
Mỹ tăng cường phòng thủ sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa
Mỹ tăng cường phòng thủ sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận định tên lửa hôm 22/6 của Triều Tiên đã bay xa hơn so với các vụ thử trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN