Không thể phủ nhận tình trạng bạo lực súng đạn đang hoành hành tại Mỹ, song với việc Hiến pháp Mỹ cho phép người dân được sở hữu súng đạn, rõ ràng việc "đảo ngược" quy định trên là bài toán khó, bởi để vượt qua rào cản pháp lý này, bất kỳ dự luật kiểm soát súng đạn nào cũng phải được thông qua tại hạ viện và thượng viện. Và cũng tương tự như các vụ xả súng trước đây, trên chính trường Mỹ, cuộc tranh cãi giữa phe ủng hộ siết chặt quy định sở hữu súng đạn và phe hậu thuẫn cho quyền sở hữu súng đạn lại gay gắt thêm. Thậm chí, loạt vụ xả súng lần này có dấu hiệu đang bị biến thành "công cụ" để các bên chỉ trích và đổ lỗi cho nhau, trong bối cảnh vòng đua hướng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã khởi động.
Hai vụ bạo lực súng đạn mới nhất, trong đó vụ tại một siêu thị Wal-Mart ở thành phố El Paso khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và vụ ở Dayton khiến 9 người thiệt mạng là vụ xả súng thứ 250 và 251 tại Mỹ trong 216 ngày vừa qua của năm 2019, theo số liệu của tổ chức Gun Violence Archive. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình tại Mỹ xảy ra hơn 1 vụ bạo lực súng đạn mỗi ngày. Cũng theo tổ chức trên, trong năm nay, hơn 520 người đã thiệt mạng trong các vụ xả súng đẫm máu và ít nhất 2.000 người bị thương.
Những kết quả điều tra ban đầu đã nhắc tới tư tưởng thù hận sắc tộc và cực đoan kiểu "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng" trong các vụ xả súng mới nhất. Sự trỗi dậy của tư tưởng "người da trắng thượng đẳng" được cho là nguyên nhân gây ra nhiều vụ bạo lực, thù hận mang tính dân tộc, tôn giáo ở Mỹ thời gian qua. Theo trung tâm nghiên cứu New America, trong giai đoạn từ năm 2017-2018, số người thiệt mạng trong các vụ bạo lực có tư tưởng cực hữu nhiều hơn trong các vụ bạo lực do các phần tử thánh chiến tiến hành. Bên cạnh đó, thủ phạm vụ xả súng ở El Paso thể hiện sự ủng hộ đối với tay súng thực hiện vụ thảm sát nhằm vào 2 đền thờ Hồi giáo tại Christchurch, New Zealand hồi tháng 3 vừa qua, khiến 51 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là bề nổi tảng băng chìm, bởi gốc rễ của vấn nạn xả súng nằm ở chỗ chính giới Mỹ bất đồng trong việc kiểm soát súng đạn và sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích. Ngay sau khi xảy ra hai vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án hành động tấn công trên, đồng thời khẳng định thù ghét không có chỗ tại Mỹ và để ngỏ khả năng kiểm soát súng đạn. Kể từ nhậm chức Tổng thống Mỹ cho đến nay, ông Trump đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát súng như tăng tuổi tối thiểu được phép mua súng trường và siết chặt kiểm soát đối tượng được phép mua loại vũ khí này, hay cấm các thiết bị độ súng (bump-stocks), giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng bắn nhanh như súng tự động. Tuy nhiên, các biện pháp của ông chỉ dừng ở mức độ hạn chế, chứ chưa đủ sức răn đe hay siết chặt việc sở hữu súng. Bằng chứng là "bóng ma" bạo lực súng đạn vẫn tiếp diễn hằng ngày.
Đảng Dân chủ cũng đã nỗ lực thúc đẩy kiểm soát súng đạn kể từ khi giành quyền kiểm soát hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2018. Tháng 2 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật có tên H.R.1112, theo đó kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua bán súng, ít nhất trong 10 ngày. Dù vậy, cho đến nay, văn bản này vẫn "nằm im" tại Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát, thậm chí nhiều nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối bảo thủ khẳng định dự luật H.R.1112 sẽ không bao giờ vượt qua "ải" thượng viện.
Kịch bản này đã lặp đi lặp lại rất nhiều từ các thời tổng thống Mỹ trước đó. Sau vụ thảm sát kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut, hồi năm 2012, khiến 26 người thiệt mạng, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã thúc đẩy dự luật kiểm tra lý lịch của người mua súng, song văn kiện này đã "chết yểu" tại thượng viện. Giới phân tích nhận định sự chia rẽ sâu sắc giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tạo rào cản chính trị chính giới Mỹ không thể tìm được giải pháp chung. Đặc biệt, khi cục diện lượng viện Quốc hội Mỹ đã phân chia rõ với đảng Dân chủ nắm hạ viện và đảng Cộng hòa kiểm soát thượng viện, một vấn đề gây tranh cãi như dự luật siết chặt kiểm soát súng đoạn càng khó có "lời giải".
Bên cạnh đó, phải kể đến tác động của các nhóm lợi ích, đặc biệt là Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA), khiến các ý tưởng siết chặt kiểm soát súng đạn hầu như bị dập tắt. Ra đời từ năm 1871 và với 5 triệu thành viên cho đến nay, NRA được coi là tổ chức quyền lực và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, có khả năng chi phối những quyết sách nhằm kiểm soát súng đạn. Ngoài ra, lợi nhuận từ kinh doanh súng đạn là một trở ngại cho những nỗ lực hạn chế sở hữu súng. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc hoạt động này, NRA sẽ không dễ dàng từ bỏ hay thu hẹp quy mô ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này. Chính vì vậy, NRA vận động hành lang rất tích cực, lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. NRA được đánh giá như là một "thế lực chính trị" có thể tác động tới lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.
Vụ xả súng tại El Paso và Dayton xảy ra vào thời điểm đảng Dân chủ và Cộng hòa khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, do vậy, hai vụ việc này nhanh chóng bị "chính trị hóa". Phe Dân chủ đã tranh thủ thời cơ để chỉ trích sự thất bại của chính quyền Tổng thống Trump trong việc kiểm soát súng đạn, đặc biệt chính sách nhập cư cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng cũng bị coi là yếu tố làm nảy sinh "tâm lý thù hận" của một bộ phận công dân. Trong khi đó, ông Trump cho rằng cần thông qua điều luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn, song phải gắn với vấn đề cải cách nhập cư. Vô hình trung, câu chuyện bạo lực súng đạn càng khoét sâu thêm sự chia rẽ nội bộ ở nước Mỹ.
Thế giới không ít lần chứng kiến chính phủ các nước siết chặt luật kiểm soát súng đạn sau các vụ xả súng như một biện pháp để “chắc chắn rằng các vụ xả súng không xảy ra một lần nữa”. Sau vụ xả súng đẫm máu ngày 15/3 tại 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch (New Zealand), Thủ tướng nước này Jacinda Ardern đã thông báo chi tiết kế hoạch cải cách luật súng đạn, cấm tất cả các loại vũ khí bán tự động và súng trường tấn công. Các trường hợp tương tự đã diễn ra ở Australia, Canada hay Anh. Tuy nhiên, các vụ xả súng đã trở thành "câu chuyện thường nhật" ở nước Mỹ, như thách thức nỗ lực nhằm ban hành một quy định kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn.
Đến bao giờ nước Mỹ có thể kiểm soát súng đạn? Đây là câu hỏi treo lơ lửng trong nhiều năm qua mà chưa có lời giải bởi còn nhiều rào cản. Có vẻ câu chuyện bạo lực súng đạn ở nước Mỹ đang bị "mắc kẹt" trong vòng xoáy của lợi ích nhóm và chia rẽ đảng phái. Nhiều ý kiến lo ngại một khi cục diện chính trường Mỹ còn trong thế đối trọng như hiện nay, cuộc tranh cãi siết chặt sở hữu súng đạn được xới lên sau mỗi vụ xả súng, nhiều khả năng lại sa vào "lối mòn" bế tắc.