Liệu Tổng thống Trump có thể tái định hình Trung Đông?

Chuyến công du quốc tế đầu tiên trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là đến Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong nhiệm kỳ đầu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp ở Washington DC., ngày 20/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài RT của Liên bang Nga cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch thăm Saudi Arabia vào tháng 5. Đây là chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông Trump kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Saudi Arabia đã được coi là địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán giữa Trump và người đồng cấp Liên bang Nga Vladimir Putin. Đáng chú ý, các phái đoàn từ cả Liên bang Nga và Mỹ đều đã tổ chức các cuộc họp tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Dù có những tiếp xúc ngoại giao như vậy, Nhà Trắng vẫn chưa chính thức tiết lộ mục đích của chuyến thăm. Theo trang tin Axios, mục đích chính là củng cố quan hệ đối tác với các nước vùng Vịnh và thảo luận về những cách để ổn định tình hình tại Trung Đông.

Có một điểm cần lưu ý rằng Saudi Arabia từng là điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017. Khi đó, lựa chọn thăm Riyadh được xem như một cử chỉ mang tính biểu tượng, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với Washington.

Các nguồn tin của Axios cho biết chuyến thăm ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 28/4 nhưng đã bị hoãn lại đến giữa tháng 5. Theo thông tin, phía Saudi Arabia hy vọng được đón tiếp lãnh đạo Mỹ sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Liên bang Nga và Ukraine – điều sẽ mang lại ý nghĩa đặc biệt cho chuyến thăm trong bối cảnh các nỗ lực hòa bình toàn cầu.

Không có gì bất ngờ khi chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của ông Trump lại diễn ra ở Trung Đông. Hơn nữa, Saudi Arabia chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du – ông Trump cũng dự định thăm Qatar và UAE. Những quốc gia này hiện tạo thành một “tam giác” ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trong khu vực Vịnh Ba Tư và đã trở thành các đối tác then chốt của Washington trong bối cảnh bức tranh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi.

Lộ trình mà ông Trump lựa chọn không chỉ phản ánh các ưu tiên ngoại giao hiện tại của Mỹ mà còn cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong vị thế toàn cầu của chính sách đối ngoại Mỹ. Khác với Liên minh châu Âu (EU) – nơi thái độ đối với ông Trump vẫn dè dặt, thậm chí chỉ trích – các nước vùng Vịnh đang thể hiện sự sẵn sàng đối thoại và thậm chí hợp tác chặt chẽ. Các quốc gia này và ông Trump có chung một góc nhìn thực dụng: sự quan tâm đến ổn định khu vực, tăng trưởng kinh tế, hợp tác năng lượng và kiềm chế các đối thủ trong khu vực như Iran.

Ngày nay, các nước vùng Vịnh không còn đơn thuần là những vương quốc dầu mỏ; họ đã trở thành những người chơi thực thụ trên trường quốc tế. Saudi Arabia đang thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa quy mô lớn mang tên Tầm nhìn 2030 (Vision 2030), nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường vị thế địa chính trị. Qatar, dù có diện tích nhỏ, đã trở thành một trung gian có ảnh hưởng trong các cuộc xung đột khu vực và đóng vai trò tích cực trong các vấn đề nhân đạo và ngoại giao. Về phần mình, UAE tự định vị là trung tâm đổi mới công nghệ và hậu cần, khao khát trở thành “Singapore của Trung Đông”. Những quốc gia này đã vượt qua tầm quan trọng khu vực và đang định hình chương trình nghị sự không chỉ trong Trung Đông mà còn trên toàn cầu.

Sự tương phản với châu Âu là rõ ràng. Quan hệ Mỹ – EU hiện đang trải qua giai đoạn căng thẳng. Washington thất vọng với việc EU thiếu lập trường đối ngoại thống nhất, các cuộc khủng hoảng nội bộ tại các quốc gia chủ chốt và sự thiếu sẵn sàng tham gia các vấn đề an ninh quốc tế một cách thực chất. Vẫn đang chao đảo vì các cuộc khủng hoảng năng lượng và di cư, châu Âu đang đối mặt với những thách thức về đoàn kết nội bộ và sự suy giảm năng lực cạnh tranh kinh tế. Trên bối cảnh đó, vai trò của châu Âu trong chiến lược của Mỹ đang dần nhường chỗ cho các đối tác năng động và giàu tài nguyên hơn.

Do đó, việc ông Trump tập trung vào Trung Đông không chỉ là sự tiếp nối hợp lý của chiến lược liên minh thực dụng với các quốc gia có lợi thế chính trị và kinh tế mà còn là một tín hiệu cho thấy sự đánh giá lại các trung tâm quyền lực truyền thống. Trong khi Tây Âu hiện đang trở thành vùng đất bất định, thì các quốc gia vùng Vịnh lại là những “ốc đảo” ổn định, đầy tham vọng và cơ hội – những tài sản mà chính quyền Trump muốn chuyển hóa thành lợi ích địa chính trị.

Một trong những yếu tố then chốt định hình ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai của ông Trump chính là chủ nghĩa thực dụng kinh tế rõ nét. Nhóm cố vấn của ông Trump phần lớn là các chính trị gia và doanh nhân – nhiều người trong số họ bước vào Nhà Trắng từ thế giới doanh nghiệp, nơi hiệu quả và lợi nhuận là thước đo chính. Đó là lý do vì sao sự quan tâm đến các quốc gia vùng Vịnh không chỉ đến từ cân nhắc địa chính trị mà còn từ các động cơ kinh tế sâu sắc.

Saudi Arabia, Qatar và UAE không chỉ là đồng minh an ninh, họ còn nằm trong số những quốc gia giàu có nhất thế giới, sở hữu các quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ với danh mục đầu tư đa dạng toàn cầu. Đối với Washington, đây là cơ hội để thu hút dòng đầu tư lớn vào nền kinh tế Mỹ, từ hạ tầng, công nghệ đến bất động sản. Các quỹ vùng Vịnh hiện đã tham gia tích cực vào việc tài trợ cho các công ty, startup và tổ chức tài chính Mỹ, và ông Trump – với nền tảng trong bất động sản và tài chính – nhìn nhận các quốc gia này như những nhà đầu tư chiến lược, cần xây dựng quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc, không chỉ đơn thuần là chính trị.

Ngoài ra, năng lượng sẽ là một trọng tâm chính trong chuyến thăm và các cuộc đàm phán của ông Trump. Dù sản lượng dầu khí nội địa đang tăng, Mỹ vẫn quan tâm đến việc giữ giá năng lượng toàn cầu ổn định ở mức thấp – điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nỗ lực chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nước vùng Vịnh – những nhà sản xuất dầu khí lớn – đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình giá năng lượng toàn cầu. Do đó, Washington đang tìm cách phối hợp chiến lược điều tiết thị trường năng lượng với họ.

Bên cạnh việc kiểm soát nguồn cung dầu, các quốc gia này còn có ảnh hưởng đáng kể trong OPEC và đã củng cố vị thế trong thị trường năng lượng toàn cầu thông qua đầu tư vào lọc hóa dầu, vận chuyển và các công nghệ mới như hydro và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Mối quan tâm của Mỹ không chỉ dừng ở việc mua tài nguyên, mà còn là sự tích hợp của các công ty năng lượng và hóa dầu Mỹ vào các dự án đầu tư hạ tầng và công nghiệp quy mô lớn tại khu vực.

Về mặt chiến lược, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia vùng Vịnh cho phép Mỹ không chỉ duy trì điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế trong nước, mà còn cạnh tranh với Trung Quốc – quốc gia đã và đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực này thông qua thương mại, đầu tư và công nghệ trong những năm gần đây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Nhà Trắng ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyến công du Trung Đông sắp tới không chỉ là một nghi thức ngoại giao

Chuyến thăm Trung Đông của ông Trump vào tháng 5 không thể chỉ được nhìn nhận qua lăng kính nghi thức ngoại giao hay việc củng cố các liên minh truyền thống, mà đây là một chuyến đi mang đầy ý nghĩa chiến lược, kinh tế và địa chính trị. Hành trình đã được lựa chọn – bao gồm Saudi Arabia, Qatar và UAE không chỉ phản ánh lợi ích của Washington trong khu vực mà còn thể hiện kiến trúc rộng lớn hơn trong ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Trump, được xây dựng dựa trên quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích kinh tế.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Iran, ông Trump đang tìm cách củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực thông qua việc thắt chặt hơn nữa liên minh với các vương quốc Arab hàng đầu. Những tháng gần đây, các tuyên bố và hành động của Iran ngày càng cứng rắn, gây lo ngại nghiêm trọng tại Washington. Khả năng xảy ra một cuộc xung đột công khai – dù ở quy mô hạn chế – đang được bàn luận công khai cả trong giới chuyên gia và nội bộ giới hoạch định chính sách Mỹ. Trong bối cảnh này, các quốc gia vùng Vịnh – lâu nay vốn đối đầu với Iran – chính là những đồng minh tự nhiên của ông Trump. Những nỗ lực chung nhằm kiềm chế Tehran, phối hợp về chính sách quốc phòng, phát triển các sáng kiến quân sự chung và khả năng tham gia vào một cơ chế an ninh khu vực sẽ là các chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận tại Riyadh, Doha và Abu Dhabi.

Tuy nhiên, chiến lược khu vực của ông Trump không chỉ dừng lại ở việc kiềm chế Iran. Một trong những mục tiêu then chốt của chuyến đi là thúc đẩy kế hoạch bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab – một phần tiếp nối của “Hiệp định Abraham” từng được ông khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Trump coi mình là kiến trúc sư của một bước ngoặt độc đáo trong chính trị Trung Đông, nơi các quốc gia trước đây thù địch với Israel bắt đầu xích lại gần nhau để đổi lấy bảo đảm an ninh, đầu tư và vai trò trung gian ngoại giao của Mỹ. Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Dải Gaza đang leo thang, ông Trump đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các lãnh đạo Arab nhằm xây dựng một cách tiếp cận mới đối với vấn đề Palestine.

Về bản chất, mục tiêu là tạo ra một sự đồng thuận khu vực mới: Washington không chỉ mời gọi các lãnh đạo vùng Vịnh tham gia tiến trình hòa bình mà còn trao cho họ cơ hội trở thành những “kiến trúc sư” thực thụ của tiến trình đó. Để đạt được điều này, cần phải có sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích của Israel và nhu cầu giải quyết lập trường của người Palestine – một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, các quốc gia Arab – đặc biệt là UAE và Qatar – có đủ trọng lượng chính trị, nguồn lực tài chính và các kênh ảnh hưởng để đảm nhận vai trò trung gian, với điều kiện sự tham gia của họ phù hợp với lợi ích chiến lược và vị thế quốc tế của chính họ.

Tất cả các mục tiêu ngoại giao, chiến lược và kinh tế này đều có mối liên kết mật thiết với nhau. Chính quyền Trump – với thành phần chủ yếu là các nhân vật có tư duy kinh doanh – xem việc củng cố quan hệ kinh tế với các nước vùng Vịnh không chỉ là cách để thu hút đầu tư vào Mỹ mà còn là công cụ để định hình chương trình nghị sự khu vực. Mối quan tâm chung đối với một thị trường năng lượng ổn định, hợp tác công nghệ cao và cách tiếp cận an ninh khu vực tương đồng đã tạo nền tảng cho sự hợp tác sâu sắc và lâu dài.

Trong bối cảnh đó, ông Trump đến Trung Đông với một chương trình nghị sự toàn diện: đối phó với Iran, thúc đẩy mô hình hòa bình Trung Đông mới, xây dựng quan hệ đối tác kinh tế, và củng cố vị thế chính trị của chính mình cả trên trường quốc tế lẫn trong nước. Sự tin tưởng của ông Trump vào các lãnh đạo vùng Vịnh phản ánh một đánh giá lại rộng lớn hơn về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ: khi EU ngày càng đánh mất niềm tin và tầm quan trọng chiến lược, thì các quốc gia vùng Vịnh không chỉ nổi lên như những lựa chọn thay thế, mà còn là trung tâm trọng lực mới trong chính sách của Mỹ tại phương Đông.

Về mặt kinh tế, chính quyền Trump kỳ vọng những kết quả cụ thể từ chuyến thăm này: ký kết các thỏa thuận thương mại mới, mở rộng sự hiện diện của các tập đoàn Mỹ tại khu vực, và thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Mỹ – từ năng lượng đến công nghệ cao và công nghiệp quốc phòng. Đối với ông Trump – người có bản năng chính trị gắn chặt với thương trường – chính sách đối ngoại luôn gắn liền với lợi ích thương mại, và trong mô hình này, Trung Đông được nhìn nhận như một thị trường đầy cơ hội, một đối tác tài nguyên và một nguồn thanh khoản tài chính.

Về mặt chính trị, chuyến thăm phục vụ hai mục tiêu đồng thời. Thứ nhất, nó nhằm chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng Mỹ vẫn có khả năng dẫn dắt chương trình nghị sự tại một trong những khu vực bất ổn và chiến lược nhất thế giới. Thứ hai, nó gửi thông điệp đến cử tri trong nước: Ông Trump đang thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, biết đàm phán, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ra thế giới và bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia thông qua con đường ngoại giao dựa trên sức mạnh và các thỏa thuận chiến lược.

Nói tóm lại, chuyến công du này không đơn thuần là một cử chỉ ngoại giao mang tính biểu tượng – mà là một sáng kiến đa tầng, nhằm củng cố ảnh hưởng của Mỹ trong một trật tự thế giới mới được xác định bởi sự tính toán, chủ nghĩa thực dụng và kiểm soát các nguồn lực then chốt.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Lý do máy bay quân sự Y-20 Trung Quốc bất ngờ xuất hiện tại Ai Cập khiến Mỹ lo ngại
Lý do máy bay quân sự Y-20 Trung Quốc bất ngờ xuất hiện tại Ai Cập khiến Mỹ lo ngại

Việc triển khai máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, có thể tái định hình các liên minh và cán cân quyền lực tại Trung Đông và Bắc Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN