Máy bay chiến đấu F-16 tham gia một cuộc tập trận của NATO tại căn cứ không quân Kleine-Brogel, Bỉ, ngày 18/10/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ukraine được bàn giao lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên vào tháng 8/2024. Loại chiến đấu cơ tiên tiến này được kỳ vọng sẽ thay đổi cán cân lực lượng, mang lại cho Ukraine một nền tảng có khả năng thách thức ưu thế trên không của Liên bang Nga. Tuy nhiên, tới nay, theo báo The Kyiv Post ngày 13/4, Không quân Ukraine đã mất 2 chiếc F-16 trong số số lượng ít ỏi các máy bay loại này mà Ukraine nhận được từ “Liên minh F-16” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong đó. chiếc F-16 đầu tiên bị tổn thất khi đáp trả một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Liên bang Nga vào ngày 26/8/2024. Sự việc lần đó được tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin đầu tiên, giữa những đồn đoán rằng đó có thể là một vụ “bắn nhầm” hoặc do trục trặc kỹ thuật.
Chiếc F-16 thứ hai mà Ukraine mất được Không quân nước này xác nhận là vào ngày 12/4. Mặc dù tuyên bố chính thức không nêu rõ địa điểm hay hoàn cảnh cụ thể của sự việc, nhưng theo báo The Kyiv Post chiều 12/4, cả các blogger quân sự Liên bang Nga và Ukraine đều cho rằng chiếc máy bay đã bị bắn rơi bởi một tên lửa của Ukraine.
Hiện nay, “thủ phạm” nhiều khả năng nhất là hệ thống phòng không S-400 đặt trên mặt đất hoặc tên lửa không đối không R-37M. Nhưng dù “thủ phạm” là loại tên lửa nào, theo chuyên trang quân sự Bulgarianmilitary.com ngày 13/4, việc Ukraine tổn thất chiếc F-16 thứ hai cho thấy Liên bang Nga đã thích nghi và tinh chỉnh chiến thuật nhằm khai thác các điểm yếu của F-16.
Ví dụ, khả năng cơ động của hệ thống phòng không S-400 cho phép lực lượng Liên bang Nga nhanh chóng di chuyển bệ phóng, tránh bị Ukraine tấn công. Việc triển khai tên lửa R-37M từ các máy bay đánh chặn tầm cao như MiG-31 càng làm phức tạp kế hoạch tác chiến của Ukraine, buộc phi công nước này phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chống lại cácnguy cơ đến từ những mối đe dọa tầm xa, vô hình.
Vụ bắn rơi F-16 này có khả năng xảy ra tại các khu vực như tỉnh Sumy, nơi Ukraine từng tiến hành các chiến dịch vượt biên sang tỉnh Kursk của Liên bang Nga. Phía Moskva (Moscow) đã đáp trả bằng các đợt không kích dữ dội và điều quân quy mô lớn, biến khu vực thành điểm nóng.
Một chiếc F-16 hoạt động tại đây có thể đã thực hiện nhiệm vụ yểm trợ bộ binh, đánh chặn thiết bị bay không người lái (UAV) của Liên bang Nga, hoặc tấn công mục tiêu xuyên biên giới. Tuy nhiên, bay gần các hệ thống phòng không nhiều tầng của Liên bang Nga – gồm S-400 dưới mặt đất và MiG-31 trên không – khiến ngay cả những tiêm kích hiện đại nhất cũng lâm vào thế nguy hiểm. Phi công Ukraine, thường chỉ được huấn luyện qua các chương trình rút gọn ở nước ngoài, đang chịu áp lực cực lớn khi phải thích nghi với điều kiện chiến đấu phức tạp và thiếu thốn.
Tác động rộng hơn của vụ bắn rơi F-16 vượt xa phạm vi chiến trường
Chương trình viện trợ F-16 là một trong những trụ cột của hỗ trợ phương Tây dành cho Ukraine, tượng trưng cho cam kết của NATO trong việc chống lại việc Liên bang Nga đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, mỗi chiếc F-16 bị mất đi đều đặt ra nghi vấn về tính bền vững của sự hỗ trợ đó. Lực lượng không quân Ukraine hiện hoạt động chỉ bằng một phần nhỏ so với trước chiến tranh, trong khi số lượng tổn thất đang vượt quá khả năng bổ sung.
Việc cung cấp thêm máy bay không chỉ cần khung thân, mà còn cả phụ tùng, đội ngũ kỹ thuật được đào tạo và các căn cứ an toàn – tất cả đều đang bị hao hụt nghiêm trọng do các cuộc tấn công không ngừng của Liên bang Nga. Vụ máy bay F-16 của Ukraine bị Liên bang Nga bắn rơi có thể khiến NATO phải đánh giá lại cách thức trang bị cho Ukraine, có khả năng thúc đẩy việc cung cấp nhanh hơn các biện pháp đối kháng tiên tiến hoặc vũ khí tầm xa nhằm cân bằng tương quan lực lượng.
Về phía Liên bang Nga, qua các kênh truyền thông nhà nước, họ xem sự kiện này là minh chứng cho ưu thế công nghệ quân sự của mình. Tuy nhiên, nếu không có xác minh độc lập, những tuyên bố như vậy vẫn mang tính suy đoán. Cuộc điều tra đang diễn ra của Ukraine, theo như đài BBC của Anh, nhằm làm rõ nguyên nhân, nhưng “làn sương chiến tranh” khiến mọi kết luận chắc chắn đều trở nên khó nắm bắt.
Tuy nhiên, có thể thấy một điều rõ ràng là các hệ thống phòng không của Liên bang Nga, dù đặt trên mặt đất hay trên không, đã thích nghi đáng kể trước thách thức từ các tiêm kích do phương Tây viện trợ. Khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu tốc độ cao của S-400, cùng năng lực tấn công từ xa của R-37M, thể hiện một trình độ tinh vi khiến chiến lược của Ukraine càng thêm phức tạp.
Tại Ukraine, F-16 đang đối mặt với một bài kiểm tra từng xảy ra trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ khi thiết kế từ thập niên 1970 phải đọ sức với hệ thống phòng không thế kỷ XXI.
Thành công của F-16 trong các cuộc xung đột trước đây dựa phần lớn vào khả năng áp đảo về hậu cần và ưu thế tuyệt đối trên không – những điều kiện mà Ukraine không thể tái lập. Thực tế này cho thấy sự khó khăn khi tích hợp khí tài phương Tây vào một cuộc chiến kéo dài, dựa nhiều vào khả năng ứng biến và cầm cự.
Vụ chiến đấu cơ F-16 của Ukraine bị Liên bang Nga bắn rơi cũng cho thấy rõ sự bất cân xứng trong cuộc chiến trên không. Lợi thế số lượng về máy bay và tên lửa cho phép Liên bang Nga duy trì áp lực, liên tục tung ra bom lượn và thiết bị bay không người lái (UAV) mà các tiêm kích Ukraine buộc phải ngăn chặn. Vai trò của F-16 – dù là đánh chặn mối đe dọa hay tấn công các vị trí của Liên bang Nga – đều quan trọng nhưng đầy rủi ro.
Thiếu hệ thống phòng không mạnh để vô hiệu hóa S-400, cũng như thiếu máy bay chiến đấu có thể đối đầu trực diện với MiG-31, phi công Ukraine luôn phải tác chiến trong thế bất lợi. Các chương trình huấn luyện ở phương Tây dù có nghiêm ngặt đến đâu cũng không thể hoàn toàn chuẩn bị cho họ đối mặt với môi trường nơi từng khoảnh khắc sinh tử phụ thuộc vào quyết định tức thời.
Xét về mặt kỹ thuật, khả năng sống sót của F-16 phụ thuộc vào các hệ thống đối kháng.
Các thanh gây nhiễu và thiết bị phóng bẫy nhiễu có thể đánh lạc hướng tên lửa dẫn đường bằng radar, nhưng các biến thể mới của S-400 sở hữu khả năng xử lý tín hiệu hiện đại, có thể vượt qua các biện pháp này. Tên lửa R-37M sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động khiến việc né tránh ở cự ly xa trở nên cực kỳ khó khăn.
F-16 của Ukraine có thể cũng chưa được nâng cấp lên radar mảng pha chủ động (AESA) – công nghệ giúp tăng đáng kể khả năng nhận thức tình huống. Những thiếu hụt như vậy phản ánh thách thức lớn hơn: làm thế nào để thích ứng một nền tảng chiến đấu từ thời kỳ trước với một cuộc chiến hiện đại, nơi tác chiến điện tử và vũ khí chính xác chiếm ưu thế.
Nhìn về phía trước, vụ chiến đấu cơ F-16 của Ukraine bị Liên bang Nga bắn hạ có thể định hình lại cách tiếp cận của Ukraine. Nếu nguyên nhân là do S-400, Ukraine có thể sẽ ưu tiên tấn công các trạm radar của Liên bang Nga, bằng UAV hoặc tên lửa tầm xa như Storm Shadow. Nếu thủ phạm là R-37M, Ukraine có thể sẽ kêu gọi viện trợ các tên lửa không đối không tầm xa hơn, hoặc tăng cường phối hợp với các hệ thống giám sát của NATO. Dù là trường hợp nào, thiệt hại lần này đều cho thấy nhu cầu cấp thiết về một chiến lược toàn diện – kết hợp giữa tiêm kích tiên tiến và hạ tầng hỗ trợ phù hợp.
Về phía Liên bang Nga, vụ chiến đấu cơ F-16 của Ukraine bị Liên bang Nga bắn hạ giúp nước này củng cố giá trị của hệ thống phòng không nhiều lớp, và có thể thúc đẩy họ đầu tư thêm vào các hệ thống mới như S-500 – được cho là có tầm bắn và độ chính xác vượt trội hơn nữa.
Nói tóm lại, việc một chiếc F-16 của Ukraine bị bắn rơi không đơn thuần là một tổn thất – nó là lát cắt thu nhỏ của một cuộc chiến nơi công nghệ, chiến thuật và khả năng chịu đựng va chạm không ngừng với nhau.
Khả năng Liên bang Nga sử dụng thành thạo các hệ thống như S-400 hay R-37M cho thấy quân đội nước này đang thích nghi với thách thức mới, dù họ cũng phải đối mặt với những hạn chế riêng.
Với Ukraine, sự cố này là lời nhắc rõ ràng rằng tiêm kích hiện đại dù tiên tiến đến đâu cũng không thể một mình xoay chuyển cục diện – mà cần có hỗ trợ, huấn luyện và thời gian, những yếu tố mà họ hiện đang rất thiếu.
Sự kiện này phản ánh một thực tế phũ phàng: trong chiến tranh hiện đại, không có nền tảng nào là bất khả xâm phạm, và mọi ưu thế đều có thể biến mất trong chớp mắt.
Khi cả hai bên tiếp tục hoàn thiện chiến lược, cuộc chiến trên không sẽ ngày càng phức tạp hơn – và đặt ra một câu hỏi then chốt: liệu Ukraine và các đồng minh có thể thích nghi đủ nhanh để đối phó với hệ thống phòng không ngày càng tinh vi của Liên bang Nga, hay những tổn thất như lần này sẽ trở thành nhịp điệu mới cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Nga – Ukraine?