Được xây dựng trên khu vực có diện tích tương đương 910 sân bóng đá và chiếm 1/5 năng lực dự trữ khí đốt của Đức, cơ sở Rehden đặt dưới quyền sở hữu và điều hành của tập đoàn Gazprom (Nga). Giới chuyên gia kinh tế nhận định cuộc chiến tại Ukraine cho thấy Đức, Italy và nhiều quốc gia khác ở châu Âu đã phạm phải sai lầm chiến lược khi đặt cược tuyệt đối vào nguồn năng lượng Nga.
“Tại Đức, đúng là có đôi chút vấn đề khi chúng ta luôn chỉ tập trung vào một giải pháp và phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Giờ thì có lẽ chúng ta đã thức tỉnh”, Veronika Grimm, Giáo sư kinh tế tại Đại học Erlangen-Nuremberg đồng thời là cố vấn cho chính phủ Đức, nhận định.
Trước tiếng nói ngày một gia tăng đòi châu Âu chặn nhập khẩu năng lượng từ Nga, chính phủ nhiều nước trong khu vực đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Nó nằm trong một bước đi lớn hơn của châu Âu, với mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2023. Nhưng khi giới hoạch định chính tìm cách xây dựng hạ tầng để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt dự trữ khí đốt, châu Âu phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn liên quan đến an ninh năng lượng.
Đầu tiên là nguy cơ Nga dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, một cú sốc năng lượng không thể loại trừ. Ba Lan gần đây lên tiếng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Về phần mình, giới chức Moskva cũng lên tiếng đe dọa dừng bơm khí đốt sang châu Âu để trả đũa cho một bước đi như vậy.
Trì hoãn cấp phép vận hành đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), nhưng Đức vẫn phản đối việc áp trừng phạt toàn diện nhằm vào ngành năng lượng Nga. Cá nhân Thủ tướng Olaf Scholz nhìn nhận nguồn cung từ Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Leonhard Birnbaum, Giám đốc điều hành Eon, công ty năng lượng lớn nhất tại Đức, hồi tuần trước khẳng định “về ngắn hạn, không thể thiếu khí đốt của Nga, nếu không kinh tế châu Âu sẽ hứng chịu những hệ quả nghiêm trọng”.
Đa phần các nước châu Âu đều có kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với tình huống thiếu hụt khí đốt, thông qua biện pháp ưu tiên cung ứng cho hộ gia đình và cắt giảm quy mô sản xuất ở những ngành thâm dụng nhiều năng lượng.
Theo ước tính của Bruegel, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bỉ, việc ngưng nhập khẩu khí đốt sẽ khiến châu Âu không thể lấp đầy kho chứa khí đốt vào mùa đông tới, buộc khu vực phải cắt giảm 10-15% nhu cầu sử dụng năng lượng thông qua hình thức cắt giảm luân phiên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định việc Nga ngừng xuất khẩu năng lượng sẽ khiến tăng trưởng GDP tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) giảm 1,4% trong năm nay.
Riêng với Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, không dễ để Berlin sớm từ bỏ năng lượng do Nga cung ứng. Nhập khẩu đáp ứng 60% tổng nhu cầu tiêu dùng năng lượng của Đức – theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hơn 50% khí đốt và than đá mà Đức nhập khẩu là từ Nga, nước cũng là nhà cung ứng dầu thô lớn thứ ba cho Đức. Berlin có thể tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn dầu mỏ và than đá, nhưng sẽ không thể sớm từ bỏ khí đốt của Nga. Khí hóa lỏng (LNG) là một lựa chọn, nhưng đây là loại nhiên liệu đắt đỏ hơn và Đức cũng chưa có bất kỳ một cơ sở, trạm tiếp nhận LNG nào.
Italy cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Đức. Năng lượng tái tạo hiện mới chỉ đáp ứng 11-12% nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Italy, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 22% của châu Âu. Sau sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (1986), Italy đã cấm phát triển điện hạt nhân. Khí đốt chiếm 40% nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nhưng 40% trong số này cũng lại đến từ Nga.
“Chúng ta không có được một cấu trúc năng lượng đa nguồn phù hợp. Không thể chỉnh sửa những sai lầm Italy phạm phải trong nhiều thập kỉ qua chỉ trong một năm”, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani phát biểu trước Thượng viện Italy hôm 17/3.
Cũng đã có những đề xuất giải pháp cho trung hạn và dài hạn đối với nguồn cung năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng ở châu Âu. Đức đang thúc đẩy dự luật yêu cầu mọi cơ sở, kho chứa khí đốt phải đảm bảo lấp đầy 90% tại thời điểm tháng 12 hàng năm để dự phòng cho mùa đông, tăng mạnh so với mức yêu cầu 25% hiện nay.
Đức cũng đẩy mạnh nỗ lực chuyển hướng sang LNG, với thỏa thuận nhập khẩu vừa ký kết với Qatar hôm 20/3, cùng với đó là kế hoạch xây dựng cơ sở cất trữ LNG, gấp rút hoàn thành trong 2-3 năm thay vì 5 năm như bình thường. Đức cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời vốn đang tạo ra 19% sản lượng điện.
Tại Italy, Bộ trưởng Cingolani thừa nhận cần tối thiểu 3 năm để thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga, với một loạt các giải pháp như tăng nhập khẩu khí đốt từ Algeria thêm 9 tỷ m3, tăng sản lượng điện được sản xuất bằng than và dầu, đẩy mạnh phê duyệt, cấp phép đối với các dự án năng lượng tái tạo…