Sẽ phải mất vài năm để lượng định hết tác động của lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng như xử lý nhu cầu cấp thiết của châu Âu về giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Nhưng chỉ trong 12 tiếng ngày 20/3, giới đầu tư đã nhận được lời nhắc nhở về bản đồ năng lượng toàn cầu đã được vẽ lại ra sao sau xung đột ở Ukraine.
Tại Trung Đông, tập đoàn dầu mỏ không lồ Saudi Aramco thuộc sở hữu nhà nước của Saudi Arabia thông báo nâng mức lợi nhuận thu được trong năm 2021 lên 110 tỉ USD, tăng 124%. Hãng cũng lên kế hoạch nâng chi tiêu vốn lên 40-50 tỷ USD trong năm 2022, với lý do cần tăng cường đầu tư cho thăm dò, khai thác năng lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Tập đoàn đạt mục tiêu nâng công suất sản xuất dầu thô tối đa lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027 và tăng hơn 50% sản lượng khai thác khí đốt vào năm 2030.
Chính phủ Qatar, một trong những nhà khai thác, cung ứng khí hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, đồng tý tăng cường cung cấp mặt hàng nhiên liệu này cho Đức, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang loay hoay tìm kiếm giải pháp giảm lệ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tại châu Âu, chính quyền Áo thông báo kế gói trợ cấp bổ sung trị giá 2,98 tỉ USD, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân nước này đối phó với tình cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Ba sự kiện cho thấy một bức tranh về thế giới với nhiều thách thức lớn về nguồn cung nhiên liệu – một thực tế xuất phát từ đầu tư dưới chuẩn đối cho hoạt động duy trì tiềm năng khai thác dầu mỏ, khí đốt và trầm trọng thêm bởi đứt gãy nguồn cung do cuộc chiến tại Ukraine gây ra. Nhưng nó cũng cho thấy “bộ ba bất khả thi” mà các nước châu Âu và rộng hơn là thế giới phương Tây đang phải đối mặt: phải bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng để tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sức ép lạm phát nảy sinh từ hai xu thế này.
Khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã phải đưa ra lời đề nghị với các nền kinh tế phát triển về thực thi một hình thức luân phiên sử dụng năng lượng, không gì khiến phương Tây vui mừng hơn bằng việc Saudi Arabia đồng ý tăng lượng dầu thô bơm ra thị trường để giảm căng thẳng nguồn cung. Nhưng kế hoạch đầu tư vốn mới mà Saudi Aramco theo đuổi cũng cho thấy tầm nhìn của “ông lớn” này trong việc cần làm gì để duy trì nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt toàn cầu.
Gắn với đó là câu chuyện về chuyển đổi năng lượng. Sẽ mất nhiều năm để thế giới có thể dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Năm 2021, Saudi Aramco đã đầu tư 21 tỉ USD vào các dự án, kế hoạch năng lượng. Tập đoàn này dự kiến nâng đầu tư vốn lên 40-50 tỉ USD trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2050.
Saudi Aramco sẽ bỏ nhiều tiền vào lĩnh vực phát triển năng lượng hydrogen xanh, nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn là nhân tố chính. “Chúng tôi nhận thấy an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng với hàng tỉ người trên thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục có các bước đi nhằm tăng năng lực sản xuất dầu mỏ, triển khai các chương trình mở rộng về khí đốt và tăng khả năng về tiềm lực hóa dầu, hóa chất”, ông Amin Nasser – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Saudi Aramco, phát biểu.
Bùng nổ đầu tư của Saudi Aramco cho thấy quá trình dịch chuyển nhiên liệu hóa thạch, cùng với đó là suy yếu của Trung Đông dưới góc độ là một trung tâm quyền lực của năng lượng toàn cầu, sẽ phải mất rất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỉ. Thỏa thuận giữa chính phủ Qatar với Đức cũng củng cố thêm nhận định này. Việc Đức tăng nhập khẩu LNG từ Qatar để thay thế khí đốt Nga gặp khó khăn trong ngắn hạn, bởi Đức hiện chưa có cơ sở, trạm nhập khẩu LNG nào.
Nhưng ngay cả khi những khó khăn về hậu cần này được giải quyết, Bank of America (BoA) cho rằng việc châu Âu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sẽ thúc đẩy một cuộc cạnh tranh giữa khu vực này với châu Á nhằm tiếp cận các chuyến tàu chở LNG dù là do Trung Đông, Mỹ hay Australia cung ứng. Cạnh tranh về các nguồn nguyên liệu khan hiếm đồng nghĩa với giá tăng. BoA nhận định giá khí đốt sẽ tăng, tương đương với mức giá phiên ngang của dầu thô ở mức 200 USD/thùng, tức cao gấp 6 lần so với thời điểm tiền đại dịch COVID-19.
Giá tăng cao trong thời gian kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn đối với chi tiêu hộ gia đình, lợi nhuận biên của doanh nghiệp, đặt ra bài toán khó đối với giới lãnh đạo các nước – những người đang chịu sức ép ngày một lớn trong kiềm chế giá nhiên liệu và lạm phát phát cao. Đó là thực tế cần xem xét trong cú sốc năng lượng lần này, trước khi tính đến tác động biến đổi khí hậu.