Năm 2011, trong các cuộc biểu tình mùa Xuân Arab, một khẩu hiệu phổ biến là “bánh mì, tự do và công bằng xã hội”.
Kênh DW (Đức) ngày 17/3 cho biết biểu tình đã nhen nhóm tại Trung Đông. Trong tuần trước, hàng trăm người đã tập trung biểu tình tại trung tâm thành phố Nasiriyah ở miền Nam Iraq, phản đối giá bánh mì, dầu ăn cùng nhiều mặt hàng khác tăng. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, giá các sản phẩm Iraq nhập khẩu từ Ukraine đã tăng tới 50%.
Đến tuần này, hàng nghìn người Sudan đã đổ ra đường phố biểu tình và giá bánh mì tại quốc gia này cũng đã tăng tới 50%.
Giá bánh mì tăng tại Sudan và Iraq đều bắt nguồn từ tình hình tại Ukraine, nơi được coi là nhà sản xuất lúa mì quan trọng hàng đầu thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu dầu hạt lớn nhất. Khoảng một nửa lúa mì xuất khẩu từ Ukraine đến Trung Đông. Trong khi đó, Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng nguồn cung từ Nga và Ukraine không ổn định khiến giá lúa mì nói chung tăng lên. Giá lúa mì đã tăng 50% chỉ trong tháng qua để gần với mức cao nhất trong 14 năm. Điều này đang bắt đầu tác động lớn đến các quốc gia Trung Đông. Giá cả thực phẩm tăng còn bắt nguồn từ gián đoạn nguồn cung xuất phát từ dịch COVID-19. Biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc Trung Đông không tự sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu.
Bánh mì là thực phẩm chủ yếu ở Trung Đông. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tùy thuộc vào từng quốc gia, bánh mì và ngũ cốc chiếm tới một nửa khẩu phần ăn của người dân địa phương, trong khi tại châu Âu là 1/4.
Ông Michaël Tanchum tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu đánh giá: “Ở những quốc gia này, bánh mì giá cả phải chăng cho quần chúng lao động là một thỏa thuận xã hội”.
Trước đây, giá bánh mì tăng là chất xúc tác cho sự thay đổi chính trị trong khu vực. Một ví dụ là tại Ai Cập từng có lịch sử về “bạo loạn bánh mì”. Vào năm 1977, cải cách kinh tế kéo theo cắt giảm trợ cấp của nhà nước và giá lương thực tăng đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo lực trên khắp đất nước khiến ít nhất 70 người tử vong.
Các nhà nghiên cứu khi xem xét nguyên nhân của biểu tình mùa Xuân Arab năm 2011, vốn làm thay đổi cục diện chính trị trong khu vực, nhận thấy rằng giá lương thực cao và tình trạng mất an ninh lương thực, thường là do biến đổi khí hậu, đã phần nào dẫn đến sự thất vọng của công chúng đối với giới lãnh đạo.
Hiện tượng này tiếp diễn vào năm 2019 với Tổng thống Sudan khi đó Omar al-Bashir bị phế truất sau các buộc biểu tình bắt nguồn từ giá bánh mì tăng gấp 3 lần.
Các nhà phân tích tại Viện Trung Đông trụ sở ở Washington (Mỹ) vào tháng 2 nhận định: “Giữa việc tăng giá năng lượng và lương thực, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể gây ra các cuộc biểu tình mới và bất ổn ở một số quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA)”.
Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Trung Đông và Bắc Phi Ferid Belhaj bày tỏ quan ngại đặc biệt về Syria, Lebanon và Yemen, những quốc gia vốn có nền kinh tế gặp khó khăn và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì.
Giá bánh mì và các mặt hàng tiêu dùng khác tăng dường như là điều không thể tránh khỏi ở Trung Đông hiện nay. Nhưng liệu chúng có dẫn đến biến động chính trị một lần nữa?
Cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh)-ông John Raine nhận xét: “Mọi người sẽ chịu áp lực kinh tế thực sự nhưng tôi không cho rằng nó sẽ dẫn đến cú sốc lớn như mùa Xuân Arab”. Theo ông Raine, lý do chính là hầu hết các quốc gia trong khu vực Trung Đông đang ở “tình thế chính trị rất khác biệt”.
Ông Tanchum trong khi đó nhận định điều xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc quản lý quốc gia của chính phủ đương nhiệm. Ông lý giải rằng quản lý hiệu quả bao gồm những việc như lượng ngũ cốc mà quốc gia đó dự trữ. Vụ nổ năm 2020 tại Beirut đã gây hư hại nơi lưu trữ ngũ cốc chính của Liban, quốc gia này cũng chỉ còn lượng lúa mì đủ cung cho một tháng. Trong khi đó, Ai Cập sở hữu 6-9 tháng lúa mì dự trữ.
Ông đánh giá vào tháng 6/2021, mức lạm phát lương thực đã đạt ngưỡng tương đương với mức dẫn đến mùa Xuân Arab nhưng điều này càng nghiêm trọng hơn khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Theo ông Tanchum, đây có thể là cơ hội cho những nhà sản xuất ngũ cốc châu Âu, như Đức, đề nghị các thỏa thuận tốt hơn với những quốc gia Trung Đông.