Liệu Bắc Kinh có thất bại trong vụ kiện của Philippines?

Trong khi ngư dân Philippines sẵn sàng bảo vệ quyền đánh cá của mình bằng đá, bom tự tạo, vũ khí thô sơ, Chính phủ Philippines đang thực hiện một phương pháp chính thống hơn. Đó là sự phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2016.

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines và Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Wikipedia

Trang tin "National Interests" (Mỹ) số ra mới đây có đăng bài phân tích với tựa đề "Liệu Bắc Kinh có thất bại trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc?" của tác giả Gary Sands, chuyên gia phân tích cao cấp độc lập đã gây sự chú ý cho nhiều nhà phân tích chính trị và dư luận quốc tế.

Theo bài viết, khi Vasco da Gama, nhà thám hiểm nổi tiếng người Bồ Đào Nha, đặt chân lên bờ biển phía Tây Ấn Độ vào năm 1498, các thuyền buồm có trang bị vũ trang của ông đã chặn tàu thuyền nước ngoài và tịch thu hàng hóa của họ, và ông biện minh rằng "quyền tự do hàng hải có tồn tại nhưng không vượt ra ngoài châu Âu".

Hơn 500 năm sau, người Trung Quốc có vẻ như đang dùng cách tương tự đối với các tàu cá nước ngoài mà họ cho là xâm phạm lãnh hải, bao gồm 90% Biển Đông nằm trong "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò". Vài tháng trở lại đây, các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc dường như đã tăng cường hiện diện của mình trong những vùng biển mà Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng tuyên bố có chủ quyền. Mới đây, một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã giải cứu một thuyền đánh cá Trung Quốc bị bắt trong vùng biển của Indonesia. Trong khi tàu cá Trung Quốc đang bị một tàu tuần tra Indonesia kéo đi thì tàu tuần duyên của Trung Quốc tấn công và giải cứu tàu ​​đánh cá này. Trước đó, một nhóm người đàn ông Trung Quốc tự xưng là đội bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã lên một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa và đã phá nát các thiết bị truyền thông và thiết bị đánh cá, tịch thu tất cả lương thực, dầu, ngư cụ và bắt các thuyền viên, thậm chí ném cá vào thùng chứa nước uống trên thuyền đánh cá này. Năm ngoái, chỉ tính riêng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu thuyền Trung Quốc đã tấn công hơn 20 vụ vào các tàu đánh cá Việt Nam. Một số cuộc tấn công đã xảy ra trong thời gian thực hiện lệnh cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 8, với cái cớ là bảo vệ chống đánh bắt hải sản quá mức. 

Mới đây, Malaysia đã tuyên bố hơn 100 tàu ​​đánh cá Trung Quốc, được hai tàu tuần duyên của Trung Quốc bảo vệ, đã tiến vào vùng biển Malaysia gần các bãi cạn Luconia. Một sự cố xảy ra mới đây tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông, những ngư dân Philippines đã ném đá và bom tự tạo vào tàu tuần duyên Trung Quốc khiêu khích, ngăn cấm họ. Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ vùng biển của mình khỏi những kẻ đánh cá trộm Philippines trong khu vực biển tranh chấp với Philippines. Với sự hiện diện của lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Biển Đông thời gian gần đây, Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson cho rằng việc tăng cường hiện diện của hải quân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough có thể là một dấu hiệu cho thấy đây sẽ là "khu vực cải tạo tiếp theo" của Trung Quốc sắp tới.

Các hình ảnh cho thấy Trung Quốc gia tăng cải tạo đảo trên Biển Đông

Trong khi ngư dân Philippines sẵn sàng bảo vệ quyền đánh cá của mình bằng đá, bom tự tạo, vũ khí thô sơ, Chính phủ Philippines đang thực hiện một phương pháp chính thống hơn. Đó là sự phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2016. Đây có vẻ là phương pháp hợp lý hơn trong việc thách thức tuyên bố của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough (và các khu vực khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền) theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, nếu phán quyết này đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ không chấp nhận phán quyết (mặc dù Trung Quốc đã ký UNCLOS) và có thể sẽ vẫn tiếp tục tôn tạo ra các đảo nhân tạo, đưa tàu thuyền đánh cá của họ đến các vùng biển tranh chấp hoặc tuyên bố một vùng đặc quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, một phán quyết bất lợi đối với Bắc Kinh sẽ khiến Trung Quốc mất mặt, và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ cho đồng minh Philippines của mình. Các lực lượng quân sự của Mỹ đã di chuyển vào khu vực này trước khi phán quyết được đưa ra, như việc đến thăm 5 căn cứ quân sự tại Philippines, trong đó có một căn cứ không quân trên đảo Palawan, gần các vùng biển tranh chấp. 

Nếu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực chống lại Bắc Kinh và Trung Quốc quyết định leo thang xung đột, đặc biệt tiếp tục bồi đắp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông mà Mỹ và Philippines coi là "ranh giới đỏ" thì sự kiện này sẽ dẫn đến một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ tại khu vực này với lý do thực thi "quyền tự do hàng hải", và thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp, hợp tác quân sự giữa quân đội của Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản tại khu vực biển nhạy cảm này trong thời gian tới.

TTXVN/Tin Tức
“Diều hâu” Trung Quốc kiến nghị giải quyết vấn đề Biển Đông
“Diều hâu” Trung Quốc kiến nghị giải quyết vấn đề Biển Đông

Trong thư, Đới Húc kiến nghị Trung Quốc cần lợi dụng cơ hội vàng 5-10 năm tới do Mỹ sa lầy ở Bắc Phi, Trung Đông để giải quyết vấn đề Biển Đông, bao gồm chuẩn bị đối phó với các loại hình chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN