LHQ chính là cầu nối cho những cuộc đối thoại, góp phần giải tỏa căng thẳng, ngăn chặn leo thang có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người.
Tuy nhiên, những thách thức của thế giới ngày nay không chỉ là chiến tranh, khủng bố hay đói nghèo, đó còn là tác động không tránh khỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại giữa các cường quốc, thậm chí cả khủng hoảng lòng tin đối với chủ nghĩa đa phương. 2018 vẫn là một năm đầy biến động và mục tiêu hòa bình, ổn định cho thế giới dường như vẫn là đích đến đầy chông gai với quá nhiều vấn đề chưa có lời giải.
Những mục tiêu chưa thể hoàn thành
Thế giới năm 2018 vẫn chứng kiến những xung đột triền miên ở khắp nơi, khiến hàng triệu người trên thế giới rơi vào cảnh khốn cùng và đối diện với tương lai vô định. Chỉ vài ngày trước, LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp tài chính 25 tỷ USD để cứu trợ nhân đạo cho khoảng 93 triệu người ở 40 nước trong năm 2019. Đây chỉ là những trường hợp cấp thiết nhất trong số hơn 132 triệu người cần được cứu trợ. Số người bị mất chỗ ở phải tha hương do xung đột vũ trang, chiến tranh cũng đã lên tới 70 triệu người, con số nhiều nhất từ trước tới nay.
Trong bài phát biểu hồi đầu năm, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ cấp bách của năm 2018 là giải quyết xung đột ở Yemen và Syria. Tuy nhiên, chiến sự tiếp diễn ở Yemen giữa quân chính phủ và lực lượng Houthi đã khiến nền kinh tế nước này suy sụp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3/4 dân số Yemen (khoảng 24 triệu người), trong đó 8 triệu người đang bị nạn đói rình rập. Cuộc đàm phán hoà bình Yemen đầu tiên do LHQ dàn xếp đang diễn ra tại Thụy Điển đã phát đi những tín hiệu tích cực, song khả năng đình chiến ngay lập tức còn khá mong manh.
Xung đột ở Syria sắp bước sang năm thứ 9, nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa. Khoảng 5,4 triệu người Syria hiện sống phụ thuộc hoàn toàn vào hàng cứu trợ của LHQ, 12 triệu người mất chỗ ở và khoảng một nửa trong số này đã phải rời bỏ quê hương chạy tị nạn sang các quốc gia khác. Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura đã đệ đơn từ chức hồi tháng 10 vừa qua khi tiến trình hòa bình Syria do LHQ chủ trì (hay còn gọi là đàm phán Geneva) đã họp 8 lần mà không đạt kết quả đáng kể, cho thấy mức độ phức tạp của vấn đề này. Mặc dù LHQ đã phối hợp với “Nhóm Astana” đàm phán hòa bình Syria gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để xúc tiến thành lập một uỷ ban soạn thảo Hiến pháp cho Syria, song tới nay mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.
Diễn biến xung đột giữa Israel và Palestine ngày càng phức tạp. Giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến nhiều người hoài nghi về vai trò của Hội đồng Bảo an (HĐBA) trong việc kiến tạo hòa bình, tìm ra giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tổng Thư ký LHQ Guterres hồi đầu năm cũng đặt mục tiêu huy động được đủ nguồn tài chính trong năm 2018 để thực hiện chương trình Nghị sự Phát triển bền vững 2030, đã được thông qua từ năm 2015. Tuy nhiên, cho tới nay, số tiền LHQ huy động được còn quá xa mục tiêu, mặc dù một số tổ chức quốc tế đã cam kết tăng viện trợ.
Chưa hết, ông Gueterres đã khẳng định 2018 phải là năm trao quyền cho phụ nữ, để phụ nữ trên toàn thế giới được đảm bảo nhân quyền, bình đẳng giới, có điều kiện phát triển và tiến bộ. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của LHQ, tình trạng ngược đãi và lạm dụng phụ nữ vẫn xảy ra ở khắp nơi, nhất là ở những vùng có chiến sự hay bất ổn về chính trị. Thậm chí, nhiều phụ nữ không được an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình: có tới 50.000 phụ nữ bị chính người trong gia đình sát hại, và số phụ nữ bị sát hại trên toàn cầu lên tới 87.000 người.
Bên cạnh đó, dù đã có công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được ký năm 2015, song việc nhất trí “ bộ quy tắc chung” để có thể thực thi hiệp định này vẫn còn trắc trở. Hội nghị COP 24 hiện đang diễn ra ở Katowice, Ba Lan, là cơ hội tìm kiếm sự đồng thuận để bộ quy tắc sớm được thông qua, tạo tiền đề cho những hành động thiết thực chống biến đổi khí hậu. Nếu COP 24 không đạt được những kết quả mong muốn thì uy tín của LHQ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Danh sách những mục tiêu người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đã đặt ra để giải quyết triệt để trong năm thứ hai nhiệm kỳ của mình còn nhiều, đó là đẩy lùi những thách thức trong hoạt động gìn giữ hoà bình, đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và phong trào dân túy; giải quyết vấn đề người di cư với việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và định kỳ. Chỉ có điều, những mục tiêu này không thể trở thành hiện thực trong năm nay, càng khiến câu hỏi về cải tổ LHQ một lần nữa lại được xới lên.
Cải tổ LHQ - vấn đề cấp thiết
Trong kỳ họp Đại hội đồng hồi tháng 9/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad đã nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ LHQ, mà cụ thể là cải tổ quyền phủ quyết của 5 nước ủy viên thường trực HĐBA vì ông cho rằng chỉ 5 nước này có quyền quyết tất cả các vấn đề an ninh chính trị trên toàn thế giới là không hợp lý và không bao giờ có thể giải quyết dứt điểm các cuộc xung đột trên thế giới.
Nhiều lãnh đạo các nước cũng công khai chia sẻ quan điểm này, khi thế giới đang chứng kiến sự bế tắc của LHQ trong nỗ lực đem lại hòa bình cho các điểm nóng trên thế giới, mà điển hình nhất là khu vực Trung Đông. Nhiều ý kiến nhấn mạnh thế giới đã thay đổi quá nhiều và việc duy trì chỉ có 5 ủy viên thường trực HĐBA từ năm 1945, khi LHQ chỉ có 51 thành viên, đến nay lên tới 193, là không còn phù hợp, không đảm bảo sự đại diện công bằng và tính dân chủ cần thiết.
Hơn nữa, từ lâu nhiều lãnh đạo các nước đã không giấu được sự bất bình khi cho rằng các ủy viên thường trực HĐBA không thể thống nhất giải pháp đối với nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, bởi có những thành viên đặt lợi ích riêng của nước họ lên trên. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nan giải vì theo khuôn khổ quy tắc hiện nay, bất kỳ sự sửa đổi nào trong Hiến chương hoặc các vấn đề có tính chất quan trọng đều phải được sự đồng thuận của 5 nước ủy viên thường trực HĐBA. Cho đến nay, chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là lãnh đạo nước ủy viên thường trực HĐBA duy nhất lên tiếng ủng hộ việc mở rộng số lượng thành viên HĐBA.
Nhiều quốc gia cũng đề xuất rằng Đại hội đồng- một cơ chế đại diện cho 193 thành viên LHQ - cần có thêm thực quyền đối với các vấn đề quan trọng của thế giới. Không ít ý kiến quan ngại về hiệu quả các nghị quyết không có tính ràng buộc của Đại hội đồng, sự trùng lặp các chương trình hoạt động khiến nhiều vấn đề quan trọng không có được sự có mặt và ý kiến đóng góp thiết thực của phái đoàn các nước, ảnh hưởng khá nhiều đến tính hiệu quả của bộ máy LHQ.
Thêm vào đó, cả Đại hội đồng và Hội đồng Nhân quyền LHQ đều cần cải tổ để làm sao có thể hoạt động hiệu quả hơn, tập trung hơn vào những hoạt động mang tính chiến lược và phục vụ cho 3 trụ cột mà LHQ đã xác định là duy trì hòa bình, hỗ trợ phát triển quốc tế, và bảo đảm quyền con người.
Vấn đề mấu chốt là công tác cải tổ LHQ sẽ phải giải quyết được sự chia rẽ giữa các thành viên, giữa các khu vực và giữa các khối nước hiện vẫn đang tồn tại và được thể hiện rõ rệt qua các cuộc tranh cãi nảy lửa. Tuy nhiên, khi lập trường giữa các nhóm lợi ích còn quá xa nhau thì con đường cải cách LHQ cũng là một mục tiêu dang dở, ít nhất trong vài năm tới. Ngay cả trong sáng kiến LHQ 2020, một chương trình cải tổ hệ thống LHQ do chính tổ chức này hoạch định nhằm chuẩn bị cho dấu mốc 75 năm thành lập vào năm 2020, cũng ghi rõ rằng việc cải tổ HĐBA, nhất là cơ cấu đại diện và số lượng thành viên của HĐBA, không nằm trong chương trình nghị sự của sáng kiến.