Phát biểu ngày 7/12 tại hội nghị cam kết cấp cao hằng năm, TTK LHQ Guterres đã hối thúc các nước đóng góp ngân quỹ lớn hơn cho CERF nhằm tăng cường khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp cũng như giải quyết các vấn đề đang ngày càng trở nên cấp bách.
Theo ông, với kinh nghiệm trên cương vị Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông cho rằng CERF là công cụ hữu hiệu nhất giúp ứng phó nhanh trong các tình huống khẩn cấp mới cũng như giải quyết các cuộc khủng hoảng vốn rất khó huy động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Theo TTK Guterres, CERF là quỹ ứng phó khẩn cấp toàn cầu duy nhất có thể tiếp cận, hỗ trợ và bảo vệ mạng sống của hàng chục triệu người mỗi năm. Trong suốt 13 năm hoạt động, CEFR đã cung cấp trên 5,5 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần 50 nước thành viên LHQ nhận được quỹ CERF cũng đã đóng góp cho quỹ này, đưa CERF thực sự trở thành quỹ của tất cả các nước và dành cho tất cả các nước.
Do đó, trong bối cảnh thiên tai cũng như tình huống khẩn cấp có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong năm 2019, CERF cần được có đủ tiền để có thể cung cấp sự phòng ngừa nguy cơ cũng như ứng phó nhanh, hỗ trợ kịp thời khi thảm họa xảy ra.
Năm 2016, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi tăng quỹ CERF hằng năm từ 450 triệu lên 1 tỷ USD. CERF lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu USD vào năm 2017.